Đưa ngành ô tô vào kinh doanh có điều kiện, người Việt được lợi gì?

authorMạnh Long 18:45 14/11/2016

Việc đưa ngành ô tô vào kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe con người cũng như đảm bảo trật tự xã hội trong kinh doanh thương mại.

Đưa ô tô vào ngành kinh doanh có điều kiện

Theo báo Dân trí, tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra mới đây, Ủy ban Kinh tế đã thống nhất tán thành với việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Cụ thể, theo Ủy ban Kinh tế hiện có hai ý kiến và quan điểm về đề xuất đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện, trong đó khẳng định: Việc bổ sung ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng nêu trên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng

Ý kiến thứ hai là đề nghị làm rõ việc bổ sung điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp hay yêu cầu quản lý nhà nước và có đảm bảo tính bình đẳng, phổ quát của pháp luật không?

Người Việt hết cơ hội mua ô tô ngoại nhập giá rẻ?

Liệu có hạn chế được xe nhập khẩu trong bối cảnh hiện nay? Ảnh: Vietnamnet

Tuy nhiên, cuối cùng Ủy ban kinh tế cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Trao đổi với báo Dân trí, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng: Ô tô hiện là sản phẩm kỹ thuật cao, có tác động lớn đến môi trường, đến con người và xã hội. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn non trẻ so với các nước, do đó quan điểm của Bộ KH&ĐT đưa ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô vào nhóm kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, xã hội và đất nước, bảo hộ sản sản xuất ô tô, ngăn chặn nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác ô tô cũ, ô tô kém chất lượng.

'Vua Thép': Từ cậu bé nghèo trở thành doanh nhân vĩ đại nhất thế giới(VietQ.vn) - Trước khi trở thành một doanh nhân và tỷ phú giàu nhất thế giới, ông Andrew Carnegie cũng phải trải qua một cuộc sống khó khăn thời còn trẻ.

Nói về quyết định đưa ngành “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời giữ nguyên ngành “kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô”, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quách Ngọc Tuấn chia sẻ trên báo Giao thông, rằng: “Đây là yêu cầu quản lý nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe con người cũng như đảm bảo trật tự xã hội trong kinh doanh thương mại”.

Cụ thể, theo ông Tuấn, ô tô đòi hỏi sự an toàn cao vì liên quan đến an toàn tính mạng không chỉ của chủ phương tiện, gia đình, người thân của họ mà còn liên quan đến nhiều người tham gia giao thông.

Với vòng đời dài tới vài chục năm, để sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, nhà cung cấp sản phẩm phải đảm bảo xe được bảo hành, bảo dưỡng, thậm chí triệu hồi, khắc phục, sửa chữa lỗi (nếu có) theo đúng yêu cầu kỹ thuật của chính hãng. Song các nhà phân phối, nếu mua, nhập khẩu xe từ nhiều nguồn khác nhau thì thường bỏ qua khâu bảo hành và dịch vụ sau bán hàng do không có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất cả ở khía cạnh tài chính lẫn công nghệ, kỹ thuật.

“Đề xuất này cũng không phải điều mới mẻ mà chỉ luật hóa những quy định đã có mà thôi, trên cơ sở đó hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Đem lại nhiều lợi ích cho cả quốc gia

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quách Ngọc Tuấn cũng khẳng định: Việc đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mang đến tác động tích cực, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực và mang về nhiều lợi ích cho quốc gia, xã hội chứ không phải vì bất kỳ nhóm lợi ích riêng nào.

Hiện, công nghiệp ô tô đang đóng góp 2% GDP, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động, dù tỷ lệ nội địa hóa chưa phải cao. Do vậy, đưa sản xuất, kinh doanh ô tô vào ngành, nghề có điều kiện là căn cứ vào lợi ích tổng thể của nền kinh tế, kết hợp hài hòa nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bảo vệ những đơn vị đã đầu tư và đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô…

 Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quách Ngọc Tuấn. Ảnh: Báo GT.

Cũng theo ông Tuấn, với chính sách này, chúng ta không cấm ai sản xuất, kinh doanh ô tô, mà chỉ yêu cầu đáp ứng các quy định của pháp luật, tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực kỹ thuật, an toàn, dịch vụ…

Do vậy, ông cho rằng: Sẽ không gây ra tình trạng độc quyền hay cạnh tranh không lành mạnh vì thực tế các nhà sản xuất, nhập khẩu chính hãng đều cạnh tranh nhau quyết liệt về mẫu mã, tính năng, giá cả, chất lượng dịch vụ… cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Thực tế thời gian qua, trước sức ép cạnh tranh của xe nhập khẩu, giá nhiều loại xe “độc quyền phân phối” tại Việt Nam cũng như xe lắp ráp trong nước đã giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng không một doanh nghiệp nào có được vị thế độc quyền về giá cả, thị phần…

Ngược lại, tôi lại cho rằng, các quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh xe nhập khẩu sẽ giúp thị trường chọn lọc các nhà cung cấp đáp ứng các yêu cầu cả về giá cả, chất lượng dịch vụ, đảm bảo để thị trường phát triển ổn định, minh bạch và không gây tác động xấu đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc và bài bản” – ông Tuấn nói.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng khẳng định: Người tiêu dùng có cơ hội sử dụng ô tô với giá cả và chất lượng hợp lý. Bởi, với xu hướng công nghệ ngày càng hiện đại, năng lực quản lý, hoạt động của các đơn vị ngày càng nâng cao khi tiếp thu, học hỏi được kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn thì giá thành sẽ giảm.

“Thời gian tới, với việc hội nhập sâu, giá xe sẽ giảm theo cam kết giảm hàng rào thuế quan. Vì vậy, các đơn vị sẽ phải cạnh tranh bằng nhiều hình thức mà giá chính là một yếu tố then chốt.

Ngay cả vấn đề bảo hộ các quyền, các cam kết về sở hữu trí tuệ cũng không làm thay đổi giá sản phẩm. Thực tế là các đơn vị nhập khẩu chính hãng có thể phải chi trả một khoản phí nhất định để được quyền sử dụng nhãn hiệu, các phần mềm kỹ thuật… của nhà sản xuất nhưng những đơn vị nhập khẩu chính hãng sẽ được mua với giá rẻ hơn từ chính nhà sản xuất do không qua trung gian” – ông Tuấn chia sẻ trên báo Giao thông

Mạnh Long (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang