Đưa phân bón vào loại hàng kinh doanh có điều kiện

author 15:57 28/08/2013

(VietQ.vn) - Thị trường phân bón hỗn loạn, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân, môi trường đất và cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Hàng loạt sai phạm trong kinh doanh phân bón

Theo Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 5.372 vụ, xử lý 1.390 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón với số tiền hơn 17 tỷ đồng và tịch thu 917 tấn phân bón các loại.

Phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, khó kiểm soát. Ảnh minh họa
Phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, khó kiểm soát. Ảnh minh họa

Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng, hiện tình hình vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, các vụ vi phạm không chỉ nhỏ lẻ mà còn có những vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài như việc phân bón kém chất lượng sản xuất tại Trung Quốc.

"Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã tịch thu 917 tấn phân bón các loại, nhiều vụ phân bón giả, kém chất lượng bị thu giữ lớn như Chi cục quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình kiểm tra, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an khởi tố vụ án kinh doanh 36 tấn phân bón giả; hay Chi cục quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp lực lượng Công an phát hiện xử lý 2 vụ vận chuyển 225 tấn phân DAP do Trung Quốc sản xuất không đảm bảo chất lượng", ông Lam cho biết.

Cũng theo ông Lam, các đối tượng vi phạm thường rất đa dạng, bao gồm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tư nhân, tư thương, buôn bán nhỏ, lẻ… Đặc biệt có cả những hộ nông dân cũng mua tích trữ phân bón giá rẻ với số lượng lớn có phân bón giả, kém chất lượng rồi trực tiếp bán lại cho người dân xung quanh rất khó kiểm tra, kiểm soát và xử lý.

Địa bàn vi phạm mang yếu tố liên tỉnh, thành phố, từ các tỉnh biên giới phía bắc như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, đến các tỉnh trên tuyến đường vận chuyển như Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Ninh vào tiêu thụ tại các tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm như Thái Bình, Nam Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, An Giang, Tiền Giang…; các tỉnh vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, ít người, khan hiếm phân bón vì điều kiện giao thông còn khó khăn như Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, vùng Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ… và các tỉnh, thành phố tập trung sản xuất công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiên cả nước có hơn 500 đơn vị sản xuất và khoảng 30.000 doanh nghiệp, đơn vị lớn nhỏ kinh doanh mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, số lượng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng.

Kết quả một cuộc khảo nghiệm do Cục Hóa chất - Bộ Công Thương thực hiện mới đây đã đưa ra bằng chứng cho thấy kết quả đáng báo động: có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt hàm lượng hữu cơ hoặc hàm lượng đạm tổng số, trên 40% mẫu vi phạm cả ba yếu tố NPK. Đặc biệt là sự xuất hiện của các loại phân bón nhái, giả, kém chất lượng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và niềm tin của người nông dân.

Ở hầu hết các địa phương đều phát hiện phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm phân bón thiếu đến 80% hàm lượng chất dinh dưỡng.

Còn theo ông Trần Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Mỹ Việt, hiện nay khi thấy công ty nào bán hàng tốt, phân bón chất lượng, lập tức các công ty khác làm nhái, ăn theo.

"Nên thận trọng khi mua phân bón, cách tốt nhất để tránh hàng giả, cần tới đại lý chính hãng của các doanh nghiẹp có địa chỉ, tên tuổi, số điện thoại, có chứng nhận đầy đủ của cơ quan chức năng để mua hàng", ông Dũng khuyên bà con nông dân.

Phân bón sẽ là mặt hàng kinh doanh có điều kiện

Đây là một nội dung đặc biệt quan trọng và đang được Bộ Công Thương nghiên cứu, đưa vào dự thảo Nghị định quy định quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, thay thế cho các nghị định trước đó đã lỗi thời.

Sẽ đưa phân bón vào loại hàng kinh doanh có điều kiện, đề quản lý tốt hơn. Ảnh minh họa
Sẽ đưa phân bón vào loại hàng kinh doanh có điều kiện, đề quản lý tốt hơn. Ảnh minh họa

Theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), phân bón là loại vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất ngành trồng trọt nhưng luôn biến động về giá và nguồn cung, tác động rất lớn đến sản xuất, gây khó khăn và thiệt hại cho nông dân. Đặc biệt, lợi dụng những lúc giá phân bón cao, một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp "cuốc xẻng" đã đưa ra thị trường phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới sản xuất và làm thiệt hại cho nông dân, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh...

"Trong khi phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện nên nhiều cơ sở nhỏ lẻ đã làm ra các mặt hàng kém chất lượng vẫn được tham gia sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng phân bón"- ông Định nói.

Đại diện Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, bà Đỗ Kim Liên - Phó Cục trưởng cho biết, đến thời điểm hiện nay, tổng năng lực sản xuất phân bón trong nước đạt khoảng 8 triệu tấn/năm, đáp ứng được trên 80% nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Để xảy ra tình trạng phân bón bị làm giả nhiều thời gian qua là do Nghị định 113 và 191 chưa hoàn thiện, công tác quản lý vẫn chia làm hai mảng giữa Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Dẫn đến tình trạng là không có một bộ nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh phân bón.

"Bộ Công Thương đang soạn thảo và sẽ trình Chính phủ một Nghị định mới về quản lý sản xuất kinh doanh phân bón. Trong đó, điều kiện mới là cấp giấy sản xuất kinh doanh phân bón có điều kiện thì sẽ quản lý ngay được từ khâu đầu vào. Vì vậy, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp phép và như thế sẽ loại được các doanh nghiệp làm ăn không chân chính, không có quy mô sản xuất theo đúng quy định. Với nghị định mới khi được ban hành sẽ hạn chế được các doanh nghiệp nhỏ lẻ, sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Từ đó giúp bà con yên tâm sử dụng trong sản xuất", bà Liên cho biết.

Trước thực trạng đáng lo ngại về chất lượng phân bón trong nông nghiệp hiện nay, bà Nguyễn Kim Liên-Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết, cần triển khai đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài để đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và cơ quan ban ngành cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ trung ương đến địa phương chấp hành các quy định của luật pháp trong sản xuất, kinh doanh phân bón đồng thời tích cực tuyên truyền cho người dân không tham gia tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật và không kinh doanh, tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng.

Xuân Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang