Đưa tên lửa đẩy của Việt Nam lên vũ trụ

author 07:12 30/03/2013

(VietQ.vn) - Dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat-1, thời gian thực hiện 2011-2015) đã hoàn thành việc lắp rắp và chuẩn bị đưa vào quỹ đạo sử dụng tên lửa đẩy VEGA2; Dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat-1B, giai đoạn 2013-2017) đang thực hiện gói thầu “thiết kế, chế tạo và phóng vệ tinh” từ ngày 14/9/2012.

Mới đây, Ủy ban Vũ trụ Việt Nam đã tiến hành họp phiên thứ nhất năm 2013 tại Hà Nội.

Tại phiên họp, ông Đỗ Văn Lộc, Chánh văn phòng Ủy ban vũ trụ Việt Nam đã báo cáo một số kết quả đạt được trong việc triển khai Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ từ năm 2010 đến năm 2020. Cụ thể, đã  xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ (CNVT). Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được thực hiện, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất đã và đang  được triển khai thông qua 3 dự án của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ (KH&CN) Việt Nam.

Mô hình tên lửa đẩy.
Mô hình tên lửa đẩy.

Trong đó, dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat-1, thời gian thực hiện 2011-2015) đã hoàn thành việc lắp rắp và chuẩn bị đưa vào quỹ đạo sử dụng tên lửa đẩy VEGA2; Dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat-1B, giai đoạn 2013-2017) đang thực hiện gói thầu “thiết kế, chế tạo và phóng vệ tinh” từ ngày 14/9/2012; Dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã được khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Hà Nội, đây là dự án trọng điểm quốc gia được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực KH-CN, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Đặc biệt, lần lượt năm 2008 và 2012,  hai Vệ tinh VINASAT-1 và 2 đã được đưa lên quỹ đạo thành công, hiện đang có đóng đóng góp quan trọng cho phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

Ngoài ra, 4 lĩnh vực chính trong việc ứng dụng CNVT cần tập trung phát triển (thông tin liên lạc, khí tượng thủy văn, viễn thám, định vị nhờ vệ tinh ) đã và đang được ứng dụng một cách có hiệu quả trong thông tin liên lạc. Đặc biệt sau khi vệ tinh viễn thám đầu tiên (VNREDSat-1) được đưa lên quỹ đạo năm 2013, lĩnh vực ứng dụng viễn thám hứa hẹn có sự phát triển mạnh mẽ, đem lại hiệu quả thiết thực cho các Bộ, ngành, địa phương…Tuy nhiên, để phát triển và đồng bộ CNVT cần thiết phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhưng hiện nay việc phát triển nguồn nhân lực mới chỉ ở giai đoạn đầu với kết quả khiêm tốn đòi hỏi phải có một kế hoạch và tiến độ cụ thể hơn để đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Chiến lược, ông Lộc cho biết thêm.

Cũng tại phiên họp, các thành viên trong Ủy ban đều cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược, việc cần thiết hiện nay là phải xây dựng được nền tảng pháp lý cho hoạt động khoa học CNVT. Tiếp đó là việc đầu tư cho CNVT cần đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như cơ chế ứng dụng. Đặc biệt cần có cơ chế tài chính, cơ chế đặt hàng rõ ràng cụ thể cho phát triển CNVT.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Vũ trụ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đánh giá cao công việc của các Bộ, ngành trong việc phát triển CNVT thông qua việc đã có những trạm thu mặt đất, trạm phát sóng vệ tinh, đặc biệt là việc xây dựng Trung tâm công nghệ vũ trụ. Tuy nhiên, để thực hiện được lộ trình đề ra trong Chiến lược, Bộ trưởng lưu ý có 4 vấn đề cần phải giải quyết cấp bách hiện nay:

Thứ nhất là các Bộ, ngành, thành viên trong Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng Dự thảo về luật khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình (Luật vũ trụ).

Thứ hai là Ủy ban Vũ trụ cần phải có Quyết định cụ thể về việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trước mắt là việc đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm cho các trường đại học lớn có năng lực về đào tạo vũ trụ hoặc hàng không vũ trụ.

Thứ ba là các Bộ, ngành phối hợp với Bộ KH&CN để xây dựng quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan trong Ủy ban. Qua đó có thể đặt hàng các Bộ, ngành, các viện, trường tiến hành các hoạt động nghiên cứu ứng dụng. Ngược lại các Bộ, ngành, viện trường xuất phát từ yêu cầu thưc tiễn của mình đề xuất với Ủy ban để thực hiện các dự án hoặc phối hợp với các nước trong khu vực, thế giới để tiến hành những hoạt động có liên quan.

Thứ tư là các Bộ, ngành, các thành viên Ủy ban cần phối hợp để giải quyết những vướng mắc về cơ chế tài chính, cần thiết đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, đặc biệt là những Chương trình lớn của Quốc gia cần có sự chung tay của các Bộ, ngành. Nếu Luật KH-CN sửa đổi được thông qua sẽ tháo gỡ được phần nào vấn đề này trong phát triển CNVT, Bộ trưởng cho biết.

Mai Hà

(Trung tâm Nghiên cứu và Truyền thông KHCN, Bộ KHCN)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang