Đừng ăn thực phẩm quen thuộc này nếu bạn không muốn ‘dính’ ung thư

authorDương Phương Ngọc 06:48 08/10/2016

(VietQ.vn) - Để phòng ung thư, theo chuyên gia, chúng ta không nên ăn những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối như dưa muối, cà muối, thịt hun khói, xúc xích…

Ngoài gen, lứa tuổi, lối sống, vi khuẩn, virus, các hóa chất độc hại, nấm mốc, thì chế độ dinh dưỡng nhiều đạm, chất béo, ít chất xơ, uống ít nước cũng dễ dẫn tới ung thư.

Chỉ tên những "kẻ thù" khiến bệnh ung thư ở VN tăng chóng mặt

Theo thống kê toàn cầu hiện có khoảng 23 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, trong đó mỗi năm có hơn 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong.

Tại Việt Nam, theo PGS Bùi Diệu – Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương - trong những năm gần đây số bệnh nhân ung thư được chẩn đoán ngày càng gia tăng, hậu quả tất yếu từ thuốc lá, môi trường ô nhiễm, việc sử dụng tràn lan thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật cũng như việc thay đổi thói quen sống, thói quen ăn uống. 

Nếu cứ tiếp tục uống cà phê bẩn, người Việt sẽ mắc ung thư cao(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, các hương liệu để tạo đặc, tạo bọt, tạo đắng, tạo sánh trong cà phê bẩn là các hóa chất độc hại, có thể gây ung thư cho người dùng.

Sự xuất hiện của các làng ung thư, sự quá tải bệnh viện đã gây ra rất nhiều khó khăn cho thầy thuốc và người bệnh. 

Tổ chức Y tế Thế giới đưa Việt Nam vào danh sách 50 nước thuộc top 2 về số mắc cũng như tỷ lệ tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm từ năm 2000 tới 2010.

Cụ thể, nếu như năm 2000, cả nước có khoảng 68.000 ca ung thư mới mỗi năm thì năm 2010, con số này là 126.000 người. Những năm gần đây, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 150.000 ca mới mắc và 94.000 trường hợp tử vong do ung thư, gấp 9 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. 

Tại Hội thảo quốc gia phòng chống ung thư diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày (6-7/10), các chuyên gia dự báo với tốc độ gia tăng số ca mắc ung thư như hiện nay tại Việt Nam, dự kiến số ca mắc ung thư sẽ vượt con số 190.000 vào 2020.

Ngoài ra, tuổi bị ung thư ở Việt Nam thường từ 40 – 50, đây là lứa tuổi đang đóng góp cho lao động xã hội nhiều nhất. Các bệnh ung thư người Việt Nam mắc phải nhiều nhất là ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư đại trực tràng.

Theo số liệu này, WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc top 1). Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỉ lệ tử vong 110/100.000 người, ngang với tỉ lệ tại Phần Lan, Somalia, Turmenistan.

 Ung thư vú là 1 trong 4 loại ung thư mắc nhiều nhất tại VN. Ảnh minh họa.

TS-BS Phạm Cẩm Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai từng chia sẻ: Những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư, cụ thể là ung thư vú gồm có: người béo phì, người có mẹ, chị gái, em gái, dì ruột mắc bệnh ung thư vú, buồng trứng, người sống độc thân, không lập gia đình, không đẻ con, không nuôi con bú... có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn những người khác.

Với căng bệnh ung thư gan, những đối thượng có nguy cơ mắc cao là những người tiền sử viêm gan B, xơ gan, uống nhiều rượu, xơ gan, viêm gan do rượu…

Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, khoang miệng... trong khi những người béo phì, ăn nhiều đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, ít vận động, ăn ít rau, hoa quả, trong gia đình có người mắc bệnh ung thư đại trực tràng... có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng.

Nói về nguyên nhân của căn bệnh quái ác này, BS Nguyễn Thị Thế Thanh - BS chuyên khoa II, PGĐ Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai đã phân tích: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư, ví du như gen, lứa tuổi, lối sống, vi khuẩn, virus, các hóa chất độc hại, nấm mốc, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng…

Chế độ dinh dưỡng không cân đối như ăn quá nhiều đạm, chất béo, ít chất xơ, uống ít nước cũng dễ dẫn tới căn bệnh ung thư.

Vì thế, chúng ta không nên ăn những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối như dưa muối, cà muối, thịt hun khói, xúc xích... Uống nhiều rượu bia, các chất kích thích cũng là một trong những nguyên nhân.

Về vấn đề an toàn thực phẩm, không nên ăn những thực phẩm bị nấm mốc, những củ quả lên mầm như khoai tây bị lên mầm…

Để ung thư không “hỏi thăm” bạn: Cần phòng tránh + phát hiện sớm

PGS Diệu cho biết, theo nghiên cứu hồi cứu các ca bệnh ung thư tại 5 bệnh viện lớn chuyên khoa ung bướu, có tới gần 71% bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn. 

Điển hình như ung thư đại trực tràng giai đoạn I và II chiếm 32%, giai đoạn muộn chiếm 68,48%; ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm chiếm khoảng 46%, giai đoạn muộn chiếm gần 54%... 

Lý giải về nguyên nhân này, các bác sĩ chuyên ngành ung thư cho hay là do tỷ lệ người dân có hiểu biết về ung thư khá thấp, nhiều người có quan niệm ung thư là bệnh nan y không thể chữa, chỉ chờ chết. 

Điều này thể hiện khá rõ qua kết quả khảo sát cộng đồng ở 12 tỉnh, thành về kiến thức, thực hành phòng chống bệnh ung thư của BV K TƯ. 

Cụ thể, chỉ có 35% hiểu biết về bệnh ung thư, có tới 67% người cho rằng ung thư là bệnh nan y, phát hiện sớm hay muộn cũng thế thôi và gần 36% cho rằng bị ung thư nếu đụng dao kéo sẽ di căn sớm và chóng chết.

Hiện tỉ lệ chữa khỏi ung thư (sống trên 5 năm) ở nam giới đạt 33%, ở nữ khoảng 40%, trong khi nhiều nước phát triển con số này đã lên tới 70-80%. 

Tỷ lệ ung thư ở Việt Nam đang gia tăng chóng mặt. Ảnh minh họa. 

Ông Bùi Diệu cũng chia sẻ, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, 40% ung thư có thể dự phòng, 30% ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, 30% có thể kéo dài thời gian sống, cải thiện cuộc sống nhờ can thiệp bằng kỹ thuật. 

Chính vì vậy, công tác phòng chống ung thư tại Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về bệnh ung thư với con số 40% người dân có hiểu biết đúng; 80% cán bộ y tế được đào tạo biện phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư. 

Bên cạnh đó, tổ chức sàng lọc phát hiện ung thư vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng, góp phần giảm từ 15-20% bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và điều trị giai đoạn muộn; thành lập và đưa vào hoạt động các đơn vị điều trị đau và chăm sóc chấn thương giảm nhẹ tại các cơ sở phòng chống ung thư. 

Điều này quan trọng bởi hiện với hơn 70% bệnh nhân đến viện mắc ung thư ở giai đoạn muộn, hầu hết bệnh nhân phải chịu đớn đau, vật vã trong những ngày cuối của cuộc đời vì căn bệnh ung thư gây ra.

Còn theo BS Nguyễn Thị Thế Thanh, để phòng tránh ung thư, người dùng cần lưu ý chế độ ăn uống của mình. Bởihiện nay, trên thị trường có rất nhiều những sản phẩm rau củ có chứa quá nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, cho nên người tiêu dùng nên mua ở những nơi có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu có điều kiện, tốt nhất nên tự cung tự cấp, hoặc tìm những nguồn cung cấp an toàn. Khi ăn những thực phẩm có chứa quá nhiều dư lượng thuốc trừ sâu thì tai biến đầu tiên là sẽ gây ngộ độc thực phẩm, về lâu dài sẽ gây ra các bệnh ung thư về đường tiêu hóa như ung thư trực tràng, dạ dày, ung thư tụy.

Những sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nói chung bây giờ không được nuôi theo cách truyền thống mà dùng những thực phẩm tăng trọng chứa sanbutamol hoặc corticoid, những thuốc tăng trọng không rõ nguồn gốc để tăng lợi nhuận, giảm thời gian nuôi.

Khi mua, khách hàng cố gắng mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng như siêu thị, có kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những thực phẩm có phẩm màu như chất tạo màu trong kẹo, bánh, thực phẩm ăn nhanh, thịt quay, trà chanh, trà sữa chân trâu cũng rất nguy hại cho sức khỏe.

Nên tránh những thực phẩm ăn nhanh, đồ chiên rán vì dầu mỡ chiên rán nhiều lần đã bị oxy hóa cũng là một trong nguyên nhân gây ung thư rất lớn. Vì thế, tránh xa đồ chiên rán, tăng cường ăn đồ hấp, luộc là cách chúng ta bảo vệ sức khỏe trước căn bệnh ung thư.

Về lối sống, trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta ít vận động trong khi tiêu thụ nhiều thực phẩm quá nhiều đạm, chất béo, chất kích thích dễ gây ra bệnh béo phì, rối loạn chuyển hóa. Và đây cũng là một tác nhân gây gia tăng bệnh ung thư.

Ngoài ra, chúng ta nên kiểm tra sức khỏe định kì 6 tháng 1 lần để tầm soát những bệnh có thể phát hiện sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang