Dùng công nghệ mới của Trung Quốc, đường sắt trên cao đảm bảo an toàn?

author 18:30 18/11/2014

(VietQ.vn) - Trước sự lo ngại của đại biểu và cử tri, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng cam kết dự án đường sắt trên cao sẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Tại buổi chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng tỏ ra bình tĩnh trước hàng loạt câu hỏi nóng về chất lượng công trình giao thông trọng điểm, giá cước vận tải, công tác phòng chống tham nhũng, thất thoát lãng phí tại các dự án…

Bộ trưởng Thăng cam kết đảm bảo an toàn đối với công trình đường sắt trên cao

Nêu đúng vấn đề được đông đảo người dân quan tâm trong suốt thời gian vừa qua, đại biểu Đỗ Văn Đương  đặt câu hỏi:  Dự án đường sắt trên cao, sử dụng công nghệ nước nào, cũ hay mới vì sao tiến độ quá chậm, mức  đội vốn quá cao?

“Từ hôm rơi cáp tới nay, tôi và  nhiều cử tri đi trên tuyến đường  này rất lo ngại bởi nó treo trên đầu hàng triệu lượt người lưu thông. Còn nhớ tại Trung Quốc cũng đã từng xảy ra vụ tàu cao tốc trên cao rơi xuống khiến nhiều người dân thiệt mạng. Bộ trưởng  có cam kết công trình này tuyệt đối đảm  bảo an toàn khi đi vào vận hành? Nếu tàu rơi xuống đất thì thảm họa. Nếu không an toàn thì Bộ trưởng suy nghĩ thế nào, kể cả đội vốn hơn nữa thì có cần làm gì thêm để đảm bảo an toàn không, ví dụ chạy trong hộp cho khỏi rơi?", đại biểu chất vấn.

Theo Bộ trường Đinh La Thăng, Dự án đường sắt cao tốc Cát Linh- Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và công nghệ mớ nhất của Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận thi công.

“Xảy ra sự cố vừa qua là điều đáng tiếc chúng tôi đã cho tạm dừng xử lý trách nhiệm bên liên quan, kiểm tra tổng thể,  yêu cầu phải đảm bảo an toàn mới cho tiếp tục thi công. Để đảm bảo an toàn cho người dân không chỉ trong thi công mà ngay cả sau này khi đi vào vận hành khai thác, dự án sẽ phải được nghiệm thu theo đúng quy định pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế”, Bộ trưởng Thăng khẳng định .

Cũng tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu chất vấn nội dung vì sao nhiều tuyến đường giao thông sau khi được bàn giao đã nhanh chóng xuống cấp trong khi suất đầu tư cho mỗi  km đường tại Việt Nam lại vào hàng cao nhất khu vực?

Đại biểu Trương Thị Ánh thẳng thắn đặt câu hỏi: “ Công tác phòng chống tham nhũng, chống thất thoát lãng phí trong ngành giao thông đang được tiế hành ra sao? Vì sao lại để xảy ra hiện tượng công trình đội vốn cao nhưng chất lượng lại chưa cao?”

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết nếu không tính thời gian trước thì trong 3 năm gần đây, không có công trình nào đội vốn!

“Năm 2014 được chọn là năm siết chặt chất lượng công trình của ngành giao thông.  Đa phần công trình đưa vào công tác đảm bảo chất lượng, tuy nhiên còn một số ít bị hỏng hóc do nguyên nhân từ phía các chủ thể thực hiện như: chủ đầu tư, giám sát, thi công, thiết kể không tuân thủ đúng quy trình kiểm soát. Ví như vết nứt trên đường cao tốc Nội Bai-Lào Cai là do trong quá trình thiết kế thi công đơn vị khảo sát không phát hiện giữa hai lỗ khoan có 1 tảng đá trượt ra ngoài… Hơn nữa, cao tốc Nội Bài-Lào Cai mới chỉ thông xe kỹ thuật để tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội chứ chưa chính thức khahs thành vì còn 10 điểm chờ lún”, Bộ trưởng Thăng dẫn giải.

Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ GT-VT cũng thừa nhận: “Đấu tranh chống tham nhũng là một công cuộc khó khăn phức tạp vì liên quan tới đối tượng có chức có quyền, Bộ GTVT xác định đây là vấn đề trọng tâm vì ngành giao thông sử dụng vốn nhiều nhất, kể cả ngân sách và tiền đi vay vì đó đều là tiền của dân.

Từ đây, người đứng đầu ngành GT-VT đưa ra giải pháp được cho là đột phá nhằm phòng chống tham nhũng như:  xác định trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện công khai, minh bạch tất cả các hoạt động của ngành GT-VT, từ công tác cán bộ, đến phân bổ vốn, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tư vấn thiết kế….; phân loại nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế để sắp xếp vào các dự án, đồng thời xử lý nghiêm minh tất cả vi phạm trong ngành…

“Thời gian qua, chúng tôi tổ chức thi tuyển công khai các chức danh Tổng cục trưởng, vụ trưởng để chọn được người có đức, có tài và đặc biệt phải có tinh thần chống tham nhũng quyết liệt đến cùng”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

 Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã  chỉ đạo Bộ GT-VT xây dựng đề án phát triển cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh trong cả nước với khoảng 8.711 cây cầu.
"Chúng tôi đã giao cho Tổng cục đường bộ cùng các địa phương rà soát có lộ trình cụ thể để đầu tư. Hiện nay Chính phủ đã cho phép đầu tư trước 186 cây cầu bằng ngân sách của năm 2015, hết gần 2 nghìn tỷ dự kiến huy động nhiều nguồn khác nhau, cả vốn trung ương, địa phương, vốn vay… chúng tôi cũng sẽ tổ chức chương trình nhịp cầu nhân ái, hiện có nhiều doanh nghiệp xin đăng ký ủng hộ”, Bộ trưởng Thăng cho biết

Hoàng Vũ



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang