Dung dịch sát khuẩn, kem chống nắng có thể khiến các bộ phận ô tô nhanh hư hỏng

author 15:12 31/07/2020

(VietQ.vn) - Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, các loại dung dịch sát khuẩn, kem chống nắng có thể làm hư hỏng, xuống cấp các bộ phận trên xe ô tô.

Cụ thể, theo một số nghiên cứu của Ford, các hóa chất như ethanol trong dung dịch sát khuẩn có thể phản ứng với các bề mặt trong xe, khiến chúng xuống cấp nhanh hơn, nếu không có các lớp bảo vệ đặc biệt.

"Trong những năm trở lại đây, dung dịch sát khuẩn đã được các tài xế sử dụng nhiều hơn. Loại sản phẩm này cũng đã trở thành một phần trong quá trình thử nghiệm dài hơi của chúng tôi về ảnh hưởng của chúng tới độ bền của xe", ông Mark Montgomery, kỹ sư vật liệu cấp cao tại Trung tâm kỹ thuật vật liệu thuộc Trung tâm kỹ thuật Dunton - Vương quốc Anh cho biết.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, việc sử dụng dung dịch sát khuẩn, dung dịch rửa tay giúp tiêu diệt vi khuẩn trên tay người dùng cùng với nội thất xe ô tô có thể giúp người dùng tránh các tác động gây hại tiềm tàng. Tuy nhiên, khi vệ sinh xe, người dùng nên tránh sử dụng các sản phẩm có chứa chất tẩy, oxy già hoặc amoniac bởi chúng có thể làm hỏng lớp phủ chống chói và chống vân tay của xe. Trong trường hợp này, dung dịch vệ sinh và khử trùng nhà cửa là một lựa chọn phù hợp, không gây hại cho nội thất xe.

Dung dịch sát khuẩn có thể khiến nội thất ô tô hư hỏng, xuống cấp. 

“Những khu vực tài xế thường xuyên tiếp xúc như vô lăng, tay cầm, cần số, các nút bấm hoặc màn hình cảm ứng, điều khiển cần gạt nước, xi nhan, tay vịn và bộ điều chỉnh ghế ngồi cần được chú ý vệ sinh đặc biệt. Dây an toàn cũng vậy, bởi nó thường vắt chéo qua thân hành khách nên rất dễ bị bám khuẩn khi họ ho hoặc hắt hơi”. Do đó, khi vệ sinh xe bạn cần lưu ý những khu vực này", tiến sĩ Jenny Dodman, Giám đốc y tế của Ford tại Vương quốc Anh nói thêm.

Cũng theo các chuyên gia, không chỉ có dung dịch sát khuẩn, một số sản phẩm tưởng chừng như vô hại nhất nhưng thực tế lại có thể gây ra ảnh hưởng xấu khi tiếp xúc với các bề mặt nội thất xe ô tô. Trong đó có kem chống nắng và thuốc xịt côn trùng.

Cụ thể, những thành phần titanium oxide có trong kem chống nắng có thể phản ứng với bề mặt nhựa và dầu tự nhiên trên các chi tiết da, nhất là trong những ngày nắng nóng gay gắt. Chất diethyltoluamide trong kem chống nắng cũng được xem là tác nhân khiến vi khuẩn sinh sôi, nảy nở trong khoang cabin.

Kỹ sư Mark Montgomery cho biết thêm rằng, ngay cả những loại dung dịch rửa tay và kem chống nắng lành tính nhất cũng có thể bào mòn bề mặt nội thất khi mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với chúng hàng chục, hàng trăm lần.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang