Dùng phẩm màu chế biến thực phẩm vô tội vạ có thể mắc nhiều bệnh hiểm nghèo

author 06:57 29/04/2019

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng tùy tiện phẩm màu chế biến thực phẩm có khả năng mắc nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Tin tức trên báo Pháp luật & Đời sống, vệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) vừa tiếp nhận 2 anh em Lâm Phước L. (13 tuổi) và Lâm Văn K. (10 tuổi) ở Như Khuê (huyện Lộc Bình) vào viện với biểu hiện da và mắt vàng, mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn.

Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng tùy tiện những loại thực phẩm có chứa phẩm màu ngoài danh mục cho phép có thể dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Được biết, trước khi nhập viện 5 ngày, hai cháu ăn xôi do gia đình tự làm có cho phẩm màu. Sau khi ăn, cả hai bị đau bụng và nôn, mệt mỏi kéo dài, nước tiểu màu đỏ sẫm. Do tình trạng ngày càng nặng hơn nên gia đình đã đưa hai anh em vào bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn. Sau khi bác sĩ khám và làm các xét nghiệm, cả 2 được chẩn đoán tan máu cấp, nguyên nhân nghi do thức ăn chứa phẩm màu. Hiện tại, hai cháu đang được theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, sức khỏe tiến triển khá tốt.

Tự ý dùng phẩm màu chế biến thực phẩm nguy hiểm khôn lường cần tuyệt đối tránh

 Tự ý dùng phẩm màu chế biến thực phẩm nguy hiểm khôn lường cần tuyệt đối tránh

Trước đó, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng từng tiếp nhận bệnh nhi D.G.H (8 tuổi, ở Hà Nội) tan máu cấp rất nặng do nhiễm độc. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ món thịt bò khô tự làm có sử dụng một loại phẩm màu không rõ nguồn gốc. Cháu H. nhập viện trong tình trạng thiếu máu cấp nặng, sốt cao, tiểu đỏ. Qua quá trình thăm khám và xét nghiệm, được biết đây là trường hợp cơn tan máu điển hình. Sàng lọc tất cả các nguyên nhân tan máu cho thấy nghi ngờ tan máu do nhiễm độc.

Người thân cháu H. cho biết, trong gia đình có 1 chị họ cũng ăn và bị đi tiểu đỏ, tuy nhiên tình trạng nhẹ hơn. Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng phẩm màu trong chế biến thực phẩm tại gia đình cũng như các cơ sở sản xuất.

Liên quan tới phẩm màu trong thực phẩm, DS. Nguyễn Thị An chia sẻ trên báo Sức Khỏe & Đời sống, ở nước ta, việc sử dụng phẩm màu trong trong chế biến thực phẩm rất phổ biến. Những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, dư mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu lạm dụng phẩm màu, hoặc chạy theo lợi nhuận, sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm (đặc biệt là các phẩm màu tổng hợp) sẽ rất hại, có thể gây ngộ độc cấp tính, tích luỹ lâu dài có thể dẫn đến ung thư.

Thực phẩm làm hành khách luôn 'khó chịu' cần tránh khi đi máy bay(VietQ.vn) - Đồ uống có ga, táo, rượu…là những loại thực phẩm nên tránh xa khi đi máy bay bởi chúng có thể khiến hành khách khó chịu ở dạ dày.

Trong số các loại thực phẩm thì có bánh, kẹo, nước giải khát, chế biến gia súc, gia cầm... là những thực phẩm hay sử dụng và lạm dụng phẩm màu nhất. Bên cạnh việc sử dụng các phẩm màu tự nhiên, để tạo thêm tính hấp dẫn cho sản phẩm, các nhà sản xuất còn dùng các phẩm màu tổng hợp, thậm chí còn sử dụng cả loại phẩm màu dùng trong công nghiệp để nhuộm màu cho thực phẩm hoặc che dấu cho các sản phẩm bị hư hỏng sẽ rất nguy hiểm (vì những loại phẩm màu công nghiệp này thường chứa nhiều tạp chất và kim loại nặng).

Một số nghiên cứu cho biết khi sử dụng các chất màu tartrazine (màu vàng chanh), quinoline (màu vàng), brilliant blue (xanh), sunset yellow (vàng), carmoisine (màu đỏ), carmine (màu đỏ son), allura red AC (đỏ) kết hợp với natri benzoat thì sẽ làm cho trẻ hiếu động thái quá.

Vì vậy, hiện ở các nước châu Âu khuyến cáo 6 chất phụ gia trên đã bị cấm dùng trong thực phẩm cho trẻ nhỏ và trẻ dưới 3 tuổi. Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua luật bắt buộc sau ngày 20/7/2010 các thực phẩm có sử dụng phẩm màu phải ghi trên nhãn sản phẩm dòng chữ: “Thực phẩm có sử dụng phẩm màu” để người tiêu dùng biết, chọn lựa khi sử dụng cho trẻ em.

Ngoài ra, một số chất màu có nguy cơ gây dị ứng ở người như brilliant blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, xiro, đồ uống, kẹo) hay gây ung thư tuyến giáp như erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ). Chất allura red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn) có thể gây dị ứng, hen suyễn,viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em. Chất tartrazine sử dụng trong chế biến thực phẩm như ngũ cốc, mứt, thực phẩm ăn nhanh, mì gói, súp, bột nước giải khát, kẹo, bánh có thể gây phản ứng dị ứng và chứng hiếu động thái quá ở trẻ em.

Dùng phẩm màu thế nào cho an toàn?

Để phòng ngừa tác hại của thực phẩm có nhuộm phẩm màu, người tiêu dùng cần chú ý những điểm sau: Khuyến khích dùng các chất màu tự nhiên có nguồn gốc thực vật; Không mua phẩm màu ngoài thị trường tự do, không rõ tên và nguồn gốc để chế biến thực phẩm tại gia đình; Chỉ mua các sản phẩm thực phẩm có nhãn mác và địa chỉ rõ ràng và hạn chế sử dụng các sản phẩm thực phẩm có màu sắc lòe loẹt, nhất là thực phẩm cho trẻ em.

Đối với các doanh nghiệp, khi chế biến thực phẩm nên dùng các màu tự nhiên cho các sản phẩm thực phẩm nếu có thể; Chỉ dùng các phẩm màu được phép sử dụng với liều lượng cho phép. Đối với các sản phẩm thực phẩm dùng cho trẻ nhỏ và trẻ dưới 3 tuổi cần tránh dùng các phẩm màu đã cấm sử dụng; Dùng đúng liều lượng và càng ít càng tốt, chỉ cần có màu để phân biệt các sản phẩm chứ không nên dùng màu quá đậm; Phẩm màu phải có độ tinh khiết cao  và cần ghi rõ thành phần của sản phẩm thực phẩm và  nhất là ghi rõ tên phẩm màu.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang