Đừng quá tin...sừng tê giác!

author 07:12 24/10/2013

Cấu tạo sừng tê giác không khác gì sừng trâu hay móng tay con người. Hãy nói không với việc mua bán và tiêu thụ sừng tê giác để ngăn chặn việc giết hại tê giác.

5% dân số Việt Nam  sử dụng sừng tê giác?

Vào tháng 9/2013, tổ chức TRAFFIC/WWF (mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán thực vật, động vật hoang dã) công bố báo cáo về nghiên cứu tiêu dùng đối với sừng tê giác tại Việt Nam do tổ chức TRAFFIC phối hợp với Ipsos Marketing thực hiện, kèm theo đó là bản giới thiệu tóm tắt với tiêu đề “Người tiêu dùng tê giác, họ là ai?”. Theo báo cáo, hiện tại Việt Nam có tới 5% dân số sử dụng sừng tê giác; 16% người được hỏi có ý định sử dụng sừng tê giác và sắp tới số người sử dụng sẽ tăng lên gấp 4 lần nữa. Báo cáo cũng đưa ra con số 41% người mua, sử dụng hoặc mua cho gia đình; 16% muốn mua để biếu “sếp” hoặc đồng nghiệp…

Nhiều người Việt Nam coi sừng tê giác như một món hàng xa xỉ, thể hiện đẳng cấp.


Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES (cơ quan thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã) Việt Nam: “Chúng tôi thừa nhận ở Việt Nam có sử dụng sừng tê giác, nhưng mức độ không như báo cáo nêu”. Bản giới thiệu tóm tắt báo cáo này đã đưa ra một số thông tin chưa chính xác và nhận định thiếu khách quan, cũng như phương pháp thực hiện không toàn diện và thông tin được công bố không rõ ràng, gây hiểu nhầm và ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nỗ lực thực thi của các cơ quan chức năng và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong khi đó, bà Naomi Doak, Trưởng đại diện Traffic Đông Nam Á, lại cho rằng: “Thực tế, chúng tôi không quan tâm là có 10 sừng 5 sừng hay 1 sừng tê giác đi qua Việt Nam, tôi chỉ quan tâm có nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam hay không, lí do tiêu dùng là gì?. Bà Naomi nhấn mạnh: Mặc dù nghiên cứu của TRAFFIC chỉ tham vấn ý kiến của một nhóm người ngẫu nhiên ở TP. Hà Nội và TP.HCM, nhưng rõ ràng các ý kiến đều ghi nhận, người Việt Nam có nhu cầu mua sừng tê giác như món hàng xa xỉ, thể hiện đẳng cấp, dùng làm quà biếu cho doanh nhân, chính trị gia.

Điều đáng lo ngại hơn khi nghiên cứu chỉ ra thực tế là ngoài những nhóm người đang sử dụng, còn có nhóm lớn “có ý định” là những người chưa mua, chưa sử dụng nhưng có ý nguyện sẽ mua khi có điều kiện. Điều này, nếu liên hệ với thực trạng trung bình mỗi ngày có từ 2-3 cá thể tê giác ở châu Phi bị giết hại thì quả là điều đáng lo ngại.

Thiếu liên kết giữa cơ quan Nhà nước và tổ chức xã hội

Nhu cầu về sừng tê giác ngày càng tăng là mối đe dọa chính đối với tê giác Nam Phi. Việt Nam hiện bị coi là một trong những thị trường lớn trên thế giới về tiêu thụ sừng tê giác. Thực tế, câu chuyện dùng sừng tê giác và công năng tính dược liệu của sừng tê giác cũng chỉ được người Việt Nam truyền tai nhau mà chưa có nghiên cứu y học nào chứng minh điều đó. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không nhận thức rõ ràng rằng, hành động sử dụng sừng tê giác chính là tiếp tay cho việc tàn sát, đẩy loài tê giác vào nguy cơ tuyệt chủng.

Việt Nam tham gia công ước CITES từ năm 1994. Nghị định 82/2006/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định rõ rằng, tất cả hoạt động buôn bán trao đổi quốc tế các loài thuộc Phụ lục I của công ước CITES, bao gồm tê giác, đều bị cấm trừ phi có giấy phép hợp lệ do CITES cấp. Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định nghiêm cấm buôn bán, sử dụng và khai thác Tê giác ava. Hành vi buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác tại Việt Nam có thể bị phạt tù tới 7 năm. Song thực tế, đại diện phía CITES Việt Nam cũng thừa nhận, chưa có một nghiên cứu toàn diện mang tính khoa học nào về việc sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam. Đồng thời, việc phối hợp giữa các cơ quan ban ngành như: Công an, Cảnh sát môi trường, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức NGO (tổ chức phi Chính phủ) về bảo vệ động vật hoang dã chưa đồng bộ, thiếu liên kết.

Trả lời báo giới, đại diện Trung tâm giáo dục thiên nhiên ENV, đơn vị phối hợp với tổ chức phi lợi nhuận của Nam Phi - Quỹ Bảo tồn Tê giác đã tổ chức cho đoàn đại biểu Quốc hội, nhà báo, nghệ sỹ, cán bộ cảnh sát môi trường và các nhà bảo tồn có chuyến thực tế sang Nam Phi, tận mắt chứng kiến thực trạng nhiều cá thể tê giác bị giết hại trái phép, chứng kiến hậu quả của việc buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia cũng chia sẻ, Trung tâm cũng rất lúng túng trong việc tìm kiếm sự kết nối, liên kết giữa trung tâm và các cơ quan chức năng nhà nước để phối hợp đẩy lùi nhu cầu sử dụng sừng tê giác của người Việt Nam.

Theo BVPL

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang