Suốt 3 năm bị cơn đau hành hạ do dùng túi nâng ngực silicon đã bị thu hồi

author 06:10 08/10/2020

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây không ít trường hợp bị vỡ túi ngực silicon đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo tới các chị em phụ nữ, cân nhắc kỹ trước khi bơm ngực.

Xuất hiện khá lâu nhưng trào lưu dùng ngực giả silicon vẫn rất hút trong cộng đồng làm đẹp. Loại ngực giả silicon này còn dành cho những người ung thư vú, đã cắt một bên hoặc hoàn toàn vòng một.

Xuất phát từ nhu cầu đó, cùng với 'công nghệ silicon' đã ra đời và trở nên phổ biến từ lâu, một loại sản phẩm nữa được tung ra để đáp ứng yêu cầu của phái đẹp ngực giả silicon. Loại sản phẩm này có cấu tạo y như bộ ngực phụ nữ, có bầu ngực và đầu ngực, màu da, chất liệu silicon có thể co dãn, đàn hồi y như ngực phụ nữ. Dù làm đẹp bằng cách này được nhiều chị em lựa chọn nhưng nó tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Mới đây một nữ bệnh nhân 49 tuổi tại Lâm Đồng vừa được một bệnh viện tư nhân tại TP HCM tiếp nhận trong tình trạng quầng vú ngứa, thâm tím, đau co thắt từng cơn vì vỡ túi ngực.

Theo bệnh nhân này kể, khoảng 14 năm trước, chị đến một cơ sở thẩm mỹ tại TP HCM làm đẹp. Sau khi được tư vấn về loại “túi ngực hiện đại nhất của Pháp” chị đã chi số tiền 2.500 USD để đặt túi nâng ngực 2 bên.

 Túi nâng ngực silicon bị vỡ khiến người phụ nữ phải chịu đựng 3 năm đau đớn. Ảnh: Dân trí

Gần 3 năm qua, bệnh nhân có biểu hiện ngứa quanh đầu ti và ngày càng có nhiều vết thâm tím. Bên cạnh đó, vùng khoang ngực ngứa âm ỉ “như có hàng ngàn con sâu róm đang bò lúc nhúc”. Tuy nhiên, người bệnh ít chú ý vì cho rằng bị bệnh da liễu thông thường nên không đến bệnh viện để kiểm tra.

Đầu tháng 10, những vết thâm tím chuyển sang màu đen, lan rộng khắp cả quầng vú, cùng với tình trạng ngứa, bệnh nhân bị những cơn đau co thắt thường xuyên. Do không chịu được các cơn co thắt chị quyết định đến bệnh viện kiểm tra trong tình trạng ngực bên phải biến dạng hẳn so với bên trái, kèm triệu chứng vùng da quầng vú thâm đen, cơn ngứa lan rộng từ đầu ti kéo đến hố nách.

Kết quả chụp MRI bác sĩ phát hiện, túi ngực bên phải của bệnh nhân đã vỡ, khiến silicon từ túi ngực trào ra ngoài, thẩm thấu vào các mô, tuyến và lớp biểu bì da. Một lượng silicon đã tràn ra hố nách phải khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng ngứa và đau nhức. Ngoài ra, túi ngực bên trái của người bệnh cũng bị móp biến dạng, vùng ngực có dấu hiệu co thắt bao xơ. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ tại bệnh viện tư tiếp nhận bệnh nhân trên, túi ngực bệnh nhân đặt là loại túi ngực Poly Implant Prothese (PIP) đã bị thu hồi trên thị trường. Công ty bán túi silicon nâng ngực Poly Implant Prothese (PIP) đã bị đóng cửa vào tháng 3/2010 sau khi cơ quan chức năng phát hiện công ty sử dụng silicon không đạt tiêu chuẩn y tế, nguy cơ gây ung thư, tỷ lệ vỡ cao hơn các loại khác. Trước khi vụ bê bối bị phát giác, PIP từng là công ty sản xuất túi ngực đứng thứ 3 trên thế giới, xuất khẩu qua 60 công ty, đã bán ra thị trường toàn cầu khoảng 300.000 túi ngực silicon giá rẻ.

Chính phủ nhiều nước đã khuyến cáo những phụ nữ sử dụng túi nâng ngực PIP nên đi phẫu thuật tháo bỏ vì nguy cơ khi túi bị vỡ, chất silicon công nghiệp sẽ thẩm thấu vào cơ thể, sinh bệnh ung thư. Sau khi bị Cảnh sát Quốc tế (Interpol) truy nã, ngày 25/1/2012 Cảnh sát Pháp đã bắt ông Jean-Claude Mas, người sáng lập ra công ty PIP.

Trước đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện ca phẫu thuật lấy túi ngực bị vỡ. Đáng nói, bệnh nhân không biết túi vỡ, chỉ thấy bất an khi nghe thông tin loại túi ngực này bị thu hồi vì nguy cơ gây biến chứng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, chị N.T.V. (43 tuổi) đã phẫu thuật nâng ngực được 5 năm. Đầu năm 2020, khi nghe người thân nói về túi ngực nhám to đã bị thu hồi ở châu Âu và Mỹ vì có thể gây phản ứng bao xơ hoặc sinh ra tế bào lạ quanh vỏ túi, chị mới giật mình nhớ đến túi ngực mình độn cũng là loại túi nhám to này. Vì thế, chị đã quay lại thẩm mỹ viện nâng ngực cho chị cách đó 5 năm, với đề nghị rút túi ngực. Tuy nhiên, tại đây, bác sĩ giải thích vì chị mổ lần đầu bằng đường nách nên lần sau nếu mổ phải can thiệp đường khác. Lo ngại thêm một đường mổ mới tạo sẹo trên ngực, chị V. đã tới BV Việt Đức khám. Tại BV Việt Đức, bác sĩ thăm khám kỹ nhận thấy bề mặt túi ngực nhấp nhô không đều kết hợp. Hỏi kỹ tiền sử cho thấy chị N.T.V. đã được đặt túi nhám to giọt nước.

Nghi ngờ có bất thường, các bác sĩ đã chỉ định chụp cộng hưởng từ bằng máy 3.0 Tesla. Kết quả chụp MRI cho thấy hình ảnh túi ngực đã vỡ từ trước mà chị V không biết. Ngay sau đó, chị đã được chỉ phẫu thuật ngay lập tức. 

Hiểm họa ẩn sau đồ công nghệ ‘Made in China’(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia công nghệ, một trong những sản phẩm được Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc chính là đồ công nghệ. mặc dù những sản phẩm này có giá rẻ nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nguyên nhân gây biến chứng khi dùng túi silicon nâng ngực 

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức, có nhiều nguyên nhân biến chứng vỡ túi. Đối với trường hợp trên có thể do lần mổ lần đầu đã không được tư vấn chọn lựa chuẩn bị kỹ càng nên đã chọn mổ phương pháp đường nách không nội soi. Khi đó do bóc khoang không chính xác nên phẫu thuật viên thường chọn loại túi nhám to để túi nhanh dính vào tổ chức tránh di lệch sau này. Tuy nhiên túi nhám to luôn cứng và vỏ xù xì như tờ giấy giáp nên ngực sau mổ khó mềm mại, cùng với thời gian vỏ nhám có thể kích thích cơ thể tạo bao xơ dễ bị vỡ túi cũng như có thể sinh ra một số tế bào lạ quanh bao. Chính vì vậy gần đây giới chức y tế Hoa Kỳ và châu Âu đã đồng loạt yêu cầu thu hồi hết các loại túi nhám to này trên thị trường.

Phương pháp nâng ngực đường nách không nội soi này phương pháp cũ còn được gọi là mổ mù nên có tỉ lệ biến chứng chảy máu, tụ máu, đau sau mổ và bao xơ co thắt cao hơn mổ nội soi. Nếu không may xảy ra biến chứng cần mổ lại thì các bác sĩ không mổ được nội soi buộc phải mở một đường rạch khác ngay trên bầu ngực, điều này làm ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và làm cho bệnh nhân e ngại chần chừ trước khi quyết định dẫn đến xử trí biến chứng hay bị muộn.

PGS Hà lưu ý, đối với những trường hợp trước đây đã phẫu thuật bằng các loại túi nhám to hiện đã thu hồi cần phải được khám lại và theo dõi một cách thường xuyên. Nếu không có dấu hiệu gì bất thường, người bệnh chỉ cần siêu âm, chụp chiếu kiểm tra hàng năm. Nếu như có xuất hiện các triệu chứng cứng đau hay u cục gì đó thì nên đến gặp các chuyên gia ra về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tại các trung tâm lớn có phương tiện chụp chiếu cộng hưởng từ 3.0 trở lên, cũng như có đội ngũ xét nghiệm về giải phẫu bệnh tế bào chuyên sâu để có thể được điều trị theo dõi và chăm sóc các biến chứng của loại túi này một cách lâu dài.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang