“Đừng xin tiền làm cái bình nhưng chỉ ra cái chén”

author 06:15 27/11/2012

(VietQ.vn) – Nhà khoa học định làm cái bình thì phải có định mức hết bao nhiêu tiền, tiêu chí cái bình sau này sẽ như nào. Khi đó Bộ Tài chính sẽ cấp tiền ngay.

Lời Tòa soạn: Vừa qua, nhiều tờ báo đã đưa các bài viết phê phán cơ chế tài chính của chúng ta còn lạc hậu, chưa theo kịp thực tế. Vậy làm sao để cơ chế tài chính thúc đẩy khoa học công nghệ (KHCN) phát triển?

Chất lượng Việt Nam xin trích giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Trường Giang - Phó Vụ trưởng vụ Hành chính – Sự nghiệp, Bộ Tài chính về vấn đề này.

TS Nguyễn Trường Giang phát biểu về đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục tại ĐH Quốc gia Hà Nội.
TS Nguyễn Trường Giang phát biểu về đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Mạnh Tuấn

“Lực cản” nằm ở đâu?

Theo luật Ngân sách, vào tháng 11 hàng năm, sau khi trình Quốc hội thông qua dự toán Ngân sách của năm sau thì trong tháng 12 năm đó, Thủ tướng đã có quyết định giao dự toán ngân sách về các bộ, ngành.

Nên từ đầu năm kế hoạch, các bộ, ngành đã có dự toán ngân sách để triển khai công việc được giao; việc giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc vào trách nhiệm của các bộ, ngành.

Đối với kinh phí nghiên cứu KHCN thuộc trách nhiệm của các bộ được giao. Kinh phí nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước chủ yếu được giao về Bộ KHCN.

Tình trạng chậm kinh phí có 2 nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất là do lệch pha giữa phê duyệt đề tài, nhiệm vụ KHCN và phê duyệt kinh phí đã được giao từ đầu năm nhưng nhiệm vụ KHCN chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên chưa có căn cứ bố trí kinh phí. Đây là tình trạng phổ biến nhiều năm gần đây.

Do nhiệm vụ, đề tài KHCN được phê duyệt chậm nên kinh phí trong năm thường phải phân bổ nhiều lần.

Để khắc phục tình trạng này, không để kinh phí chờ nhiệm vụ, cần có giải pháp điều chỉnh, có sự đồng pha giữa phê duyệt nhiệm vụ và phê duyệt kinh phí.

Thế nên trong Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán Ngân sách 2013, Bộ Tài chính đã hướng dẫn chỉ bố trí kinh phí trong dự toán Ngân sách năm 2013 đối với những đề tài, nhiệm vụ KHCN đến thời điểm xây dựng dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí.

Thứ hai là quy trình phê duyệt đề tài KHCN cấp Nhà nước thường kéo dài, từ 18 – 24 tháng, trong khi thời gian xem xét, cân đối kinh phí không quá 5 tháng. Vì vậy, để “tiền về các nhà khoa học nhanh” cần rút ngắn quy trình này xuống 12 tháng, đồng bộ quy trình xây dựng dự toán.

Đối với những đề tài KHCN có tính thời sự, đột xuất thì cơ quan tài chính có thể thực hiện cơ chế trình cấp có thẩm quyền bổ sung ngoài dự toán năm kế hoạch hoặc ứng trước dự toán ngân sách của năm sau.

Do đó, các cơ quan chức năng cần khẩn trương ban hành các quy định mới để hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1244/QĐ-TTg, đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN.

Đừng xin tiền làm cái bình nhưng chỉ ra cái chén

Bộ Tài chính về cơ bản ủng hộ cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đối với đề tài KHCN. Nhưng chúng ta phải xây dựng định mức đầu vào là gì, đầu ra là gì.

Ví dụ như nhà khoa học định làm cái bình thì phải có định mức làm cái bình đó hết bao nhiêu tiền, tiêu chí cái bình sau này sẽ như nào. Khi đó, Bộ Tài chính sẽ trình các cấp ngay.

Còn nếu không có điều đó thì không biết cấp bao nhiêu tiền và nghiệm thu như nào? Nếu xin tiền làm cái bình nhưng chỉ làm ra cái chén thì quyết toán như thế nào?

Bởi vậy, các xác định nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cần thay đổi theo hướng xuất phát từ nhu cầu thực tế “đặt hàng” nhà khoa học.

Sau đó kêu gọi nhiều nguồn kinh phí, ví dụ từ các doanh nghiệp, chứ không chỉ có ngân sách.

Nên chọn các đề tài có tính ứng dụng cao, đầu tư “ra tấm, ra món” sau khi nghiên cứu xong để phát triển sản phẩm, ứng dụng vào cuộc sống, thu được lợi nhuận trở lại…

 TS. Nguyễn Trường Giang

(Phó Vụ trưởng vụ Hành chính – Sự nghiệp, Bộ Tài chính)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang