Dùng zalo đăng bán giày dép giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam

author 15:11 29/10/2020

(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện một cơ sở chuyên dùng zalo để đăng bán các sản phẩm giày dép giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn, sau khi rà soát địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 7 phát hiện có tài khoản zalo là “Hoàng Sa” tại Quầy hàng kinh doanh giầy dép tại khu chợ B, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn do bà Trần Thị Chiên là chủ hộ kinh doanh có thực hiện rao bán hàng hóa.

 Lượng lớn giày giả mạo nhãn hiệu được đăng bán qua zalo. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Sau khi xác định được địa chỉ cụ thể địa điểm kinh doanh của chủ tài khoản trên, Đội QLTT số 7 đã cử tổ công tác quản lý địa bàn tiếp tục nắm tình hình, giám sát và xây dựng phương án kiểm tra đột xuất.

Tại thời điểm kiểm tra đột xuất, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang bày bán nhiều giày thể thao nam có gắn nhãn hiệu Nike có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính và xác minh các tình tiết liên quan, Đội Quản lý thị trường số 7 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhập lậu lượng lớn giày thể thao nữ nhãn hiệu STAR do nước ngoài sản xuất(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai vừa phát hiện và thu giữ 450 đôi giày thể thao nữ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.

Nhận định về tình hình kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, Tổng Cục QLTT cho biết, hiện nay hàng giả ngày càng xuất hiện tràn lan trên thị trường làm ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, các công ty kinh doanh hợp pháp, đặc biệt là ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Đặc biệt, hàng giả được sản xuất giống như hàng thật về mọi mặt đang bán nhiều trên các trang mạng xã hội, zalo...khiến cho người tiêu dùng rất khó phân biệt.

Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý thị trường, số lượng các vụ vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả được phát hiện ngày một nhiều, nhưng số lượng các vụ án được thụ lý và đưa ra xét xử tại tòa án lại không nhiều. Các đối tượng trực tiếp sản xuất hàng giả ngày một gia tăng, số lượng hàng giả ngày càng lưu thông nhiều trên thị trường (trong đó có cả hàng giả trực tiếp sản xuất ở trong nước và hàng giả từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam). Nhưng các hình thức xử lý các hành vi phạm tội này được xử lý bằng hình thức xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa, chưa áp dụng mạnh chế tài hình sự nên chưa đủ sức răn đe.

Điều này cho thấy, cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Bởi vì, việc không ngừng hoàn thiện pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là pháp luật hình sự một cách toàn diện, kịp thời sẽ lấp được những “lỗ hổng”, khiếm khuyết của pháp luật khi áp dụng trong thực tiễn, nâng cao được hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ngoài ra, việc đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả có hiệu quả là điều kiện quan trọng bảo vệ người tiêu dùng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế thị trường, phụ vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước ta, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội.

An Dương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang