Được 'gạ mua' giá 500 triệu USD, Tân Hiệp Phát có nên 'bán mình'?

author 19:49 04/01/2016

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia thương hiệu, chuyện đồn đoán về việc đại gia nước ngoài muốn mua lại Tân Hiệp Phát là những thông tin bất lợi cho doanh nghiệp này.

Sau vụ xử kỳ án con ruồi 500 triệu, khi làn sóng “tẩy chay” sản phẩm Tân Hiệp Phát vẫn chưa lắng dịu. Gần đây, dư luận lại bùng lên nhiều thông tin về việc một số đại gia giải khát quốc tế đang có ý định mua lại thương hiệu và dây chuyền sản xuất của công ty này.

Một doanh nhân từng làm việc trong bộ máy của Tập đoàn nước giải khát đa quốc gia nổi tiếng đồn đoán rằng: “Ông lớn” ngành giải khát muốn mua lại Tân Hiệp Phát có thể là Pepsi bởi công ty này thường có chuyện mua bán.

Tuy vậy, cũng theo vị này, xét về nhu cầu thì các nhà đóng chai của Coca Cola sẽ thích mua nhất (mua đi và có thể sẽ bán lại cho nhà đầu tư khác) và từ đó sẽ dám trả cao nhất.

Từ chối trả lời phóng viên về những đồn đoán quanh việc mua bán này, cả 2 phía Coca Cola và Pepsi đều chưa chính thức lên tiếng.

Trước đó, một loạt các thương hiệu nước giải khát Việt cũng đã bị thôn tính bởi các đại gia quốc tế thông qua các chiến lược bài bản.

Nếu lần này, Tân Hiệp Phát bị “thâu tóm” thành công, doanh nghiệp Việt coi như “trắng tay” trên bản đồ thị trường nước giải khát trong nước.

Chính vì điều này mà câu chuyện đồn đoán về đại gia “thôn tính” Tân Hiệp Phát đang trở thành đề tài “nóng” hơn bao giờ hết!

Dưới góc nhìn của bà Đặng Thanh Vân, sáng lập viên và Giám đốc điều hành Công ty Thanhs – người có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn xây dựng thương hiệu: Việc rò rỉ thông tin trên không có lợi cho Tân Hiệp Phát vào lúc này.

Nhà máy sản xuất của Tân Hiệp Phát tại Hà Nam (Ảnh: Zing.vn)

Tân Hiệp Phát: Âm về thương hiệu

Thưa bà, dư luận đang khá quan tâm về việc đại gia giải khát quốc tế muốn mua lại Tân Hiệp Phát. Theo bà, thông tin trên rò rỉ ra vào thời điểm này liệu có làm "nguội" làn sóng tẩy chay sản phẩm Tân Hiệp Phát của công chúng?

Bà Đặng Thanh Vân: Trường hợp của Tân Hiệp Phát hiện tại không còn đơn thuần là khủng hoảng truyền thông mà đã lan thành khủng hoảng cơ cấu quản trị hệ thống.

Vì vậy, việc các nhà đầu tư ngoại và nhiều tổ chức ra tay "thâu tóm", trục lợi là việc dễ hiểu.

Khi thông tin về thương hiệu Tân Hiệp Phát trước đã được Coca Cola mua với giá hơn 2 tỷ USD và hiện nay chỉ được đàm phán với mức 500 triệu USD đương nhiên là một thất bại nặng nề, ảnh hưởng đến cả uy tín thương hiệu lẫn tài chính doanh nghiệp.

- Ý của bà là: Những thôn tin đồn đoán gần đây đang gây bất lợi cho doanh nghiệp Tân Hiệp Phát?

Bà Đặng Thanh Vân: Đúng vậy! Thông tin trên rò rỉ vào thời điểm này đương nhiên là không có lợi cho Tân Hiệp Phát. Nếu mà tin đồn mua lại với giá trên 2 tỷ USD thì lại là chuyện khác.

- Trước các lời “gạ mua” như vậy, theo bà, Tân Hiệp Phát có nên bán vào thời điểm này?

Chuyên gia thương hiệu Đặng Thanh Vân (Ảnh: dangthanhvan.com)

Bà Đặng Thanh Vân: Rất khó để trả lời câu hỏi "có nên bán không" vì điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tâm huyết của những người sở hữu thương hiệu.

Nếu Ban lãnh đạo công ty Tân Hiệp Phát vẫn quyết tâm đến cùng để xây dựng một doanh nghiệp hùng mạnh, thì tôi tin họ vẫn có thể làm được.

Tân Hiệp Phát đang bắt đầu lại từ số âm về thương hiệu, nhưng vẫn là số dương về doanh thu và thị trường.

Tuy nhiên, nếu là bài toán tài chính thuần túy, có thể ban lãnh đạo công ty Tân Hiệp Phát sẽ cân nhắc việc bán đứt thương hiệu để đầu tư sang một ngành khác.

Tân Hiệp Phát bị “thâu tóm”: Nên mừng hay nên lo?

- Nếu giao dịch mua bán thành công, là một chuyên gia về thương hiệu, cảm xúc của bà thế nào khi Tân Hiệp Phát – một trong số ít doanh nghiệp nội có đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, lại rơi vào tay của đại gia nước giải khát quốc tế?

Bà Đặng Thanh Vân: Tình huống của Tân Hiệp Phát thực tế không khác nhiều so với các khủng hoảng của các thương hiệu quốc tế khác trong các ngành thực phẩm, dược phẩm...

Sau khi ban lãnh đạo doanh nghiệp kiên quyết sửa sai, thu hồi sản phẩm hỏng, lỗi, chấp nhận bồi thường cho người tiêu dùng... thì vẫn dần dần lấy lại được uy tín và niềm tin.

Thương hiệu nằm trong tâm trí của khách hàng, chứ không phải là những thứ mà chủ doanh nghiệp sở hữu.

Vì vậy, nếu như Công ty THP bán hết cổ phần cho nhà đầu tư ngoại mà nhà đầu tư đó giúp khôi phục được vị thế của thương hiệu trên thị trường trong nước, mở rộng sang thị trường khu vực thì đó thực ra là điều đáng mừng cho thương hiệu.

Trừ khi sau khi mua đứt công ty, chủ đầu tư mới chọn phương án "cho thương hiệu chết" và thay thế bằng một thương hiệu mới - điều đó mới thực sự đáng tiếc.

Ngược lại, nếu ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát không thể thay đổi được triết lý kinh doanh, vẫn làm theo phong cách cũ thì chắc chắn sẽ là một án tử cho thương hiệu.

- Nhưng có ý kiến cho rằng, các tập đoàn chỉ quan tâm tới thị phần, nếu mua đứt công ty Tân Hiệp Phát thì họ thường chọn phương án "xóa sổ" và thay thế bằng một thương hiệu mới, chứ không dùng thương hiệu địa phương. Quan điểm của bà thế nào về điều này?

Bà Đặng Thanh Vân: Điều đó phụ thuộc vào chiến lược của nhà đầu tư.

Trên thực tế thì thương hiệu Tân Hiệp Phát vẫn còn giá trị, nên người mua mới sẽ không cho “chết” đâu!

Giai đoạn này khác nhiều so với các giai đoạn 90, khi mà ngay cả các thương hiệu quốc tế cũng chưa nhận thức được giá trị của thương hiệu trong tâm trí khách hàng có vai trò quyết định.

Phương án đẹp nhất cho Tân Hiệp Phát là bán cổ phần cho các nhà đầu tư trong nước + cồ phần của doanh nghiệp ngoại. Vừa thay máu lãnh đạo, vừa giữ được cội nguồn là thương hiệu Việt.

- Một câu cuối cùng xin hỏi bà, nhìn nhận trên thị trường, theo cá nhân bà, đại gia nước giải khát quốc tế nào đang tham vọng muốn thâu tóm Tân Hiệp Phát?

Bà Đặng Thanh Vân: Đợt trước Coca Cola đã “đánh tiếng” mua thì giờ cũng có thể họ sẽ “chờ đáy” để đàm phán mua. Có thể con số mua thực tế sẽ cao hơn, nhưng tung tin hỏa mù để làm giảm giá thương hiệu là chuyện có thể xảy ra…

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tiểu Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang