Dược mỹ phẩm Mypharma quảng cáo TPBVSK MPSENO và MPSUNO như thuốc chữa bệnh

author 06:35 26/12/2020

(VietQ.vn) - Dù chỉ được cấp phép lưu hành là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) nhưng trên nhiều website, mạng xã hội, hai sản phẩm có tên MPSENO và MPSUNO lại đang được quảng cáo như “thần dược”, có công dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật ATTP quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Các chuyên gia ngành Dược cũng khẳng định, TPCN, TPBVSK chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật, chứ không thể có công dụng điều trị hay thay thế được thuốc điều trị bệnh.

Thực tế là vậy, tuy nhiên trên thị trường hiện tồn tại nhiều sản phẩm TPBVSK đang quảng cáo vi phạm quy định, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, làm sai lệch nhận thức về TPCN. Theo đó, thời gian gần đây, TC Thương Trường nhận được nhiều phản ánh về tình trạng vi phạm đối với bộ hai sản phẩm MPSENO và MPSUNO, gây nhầm lẫn công dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Dược mỹ phẩm Mypharma quảng cáo sản phẩm TPBVSK MPSENO vi phạm quy định pháp luật. 

Theo Giấy tiếp nhận đăng ký bản Công bố sản phẩm do Cục ATTP (Bộ Y tế) cấp, thì hai sản phẩm MPSENO và MPSUNO chỉ là TPBVSK. Tuy nhiên trên rất nhiều các website như: https://mpseno.vn/, https://mpsuno.vn/nano-day-thia-canh-vu-khi-moi-day-lui-tieu-duong/, https://mypharma.vn/review/vach-tran-mpseno-co-that-su-tot-hay-khong/, cùng một số trang mạng xã hội khác, thì hai sản phẩm MPSENO và MPSUNO lại được quảng cáo có công dụng điều trị bệnh, như một loại thuốc chữa bệnh, liệt kê công dụng thành phẩm, sử dụng hình ảnh, uy tín của chuyên gia y tế, chia sẻ thư cảm ơn của khách hàng để quảng cáo vi phạm quy định pháp luật, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Cụ thể, sản phẩm MPSUNO được Cục An toàn thực phẩm xác nhận quảng cáo với công dụng “Hỗ trợ tăng cường bài tiết insulin, hỗ trợ giảm đường huyết, hỗ trợ giảm nguy cơ biến chứng do tiểu đường.” Tuy nhiên, sản phẩm MPSUNO (còn được gọi là Nano Dây thìa canh) hiện được quảng cáo đến người tiêu dùng là “vũ khí mới đẩy lùi tiểu đường”, có công dụng hạ đường huyết dưới tên gọi viên tiểu đường công nghệ cao Mpsuno, “dược liệu hủy diệt đường”. Hơn thế nữa, không biết dựa trên căn cứ nào Dược Mỹ Phẩm Mypharma, đang quảng cáo sản phẩm MPSUNO là “Sản phẩm duy nhất được Bộ y tế cấp phép có tác dụng hỗ trợ tăng tiết insulin, khôi phục cơ chế giảm đường huyết tự nhiên của cơ thể”. Ngoài ra, các quảng cáo còn tự tin khẳng định, sản phẩm Nano dây thìa canh là sản phẩm đầu tiên do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bào chế.

Sản phẩm MPSUNO được quảng cáo như là “vũ khí mới đẩy lùi tiểu đường”. 

Trong khi đó, sản phẩm MPSENO lại đang được quảng cáo có công dụng: Hạ mỡ máu, giảm mỡ thừa, ngăn ngừa biến chứng tim mạch. Với tên gọi Nano Lá sen sản phẩm đang được Dược Mỹ Phẩm Mypharma quảng cáo khác hẳn với công dụng được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 3970/2020/ĐKSP và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1645/2020/XNQC-ATTP ngày 27/05/2020 với công dụng: Hỗ trợ tăng chuyển hóa chất béo, hỗ trợ giảm lượng mỡ thừa, hỗ trợ giảm máu, hỗ trợ giảm béo.

Ngoài ra, để tăng niềm tin từ người tiêu dùng vào công dụng điều trị bệnh của 2 sản phẩm MPSENO và MPSUNO các website nêu trên đang còn quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hình thức liệt kê công dụng từng thành phần của sản phẩm, đăng tải nhiều video chia sẻ của các chuyên gia, thư cảm ơn của khách hàng cùng cam kết điều trị hiệu quả…để khẳng định công dụng, tác dụng tức thời của sản phẩm mà chưa được cơ quan nhà nước kiểm chứng.

Những hành vi này đang vi phạm quy định tại khoản 2, điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.”

Các website của Dược Mỹ Phẩm Mypharma đang quảng cáo các sản phẩm MPSENO và MPSUNO 

Theo tìm hiểu của PV, 2 website https://mpseno.vn/, https://mpsuno.vn/, đang quảng cáo 2 sản phẩm MPSENO và MPSUNO đều đã được Công ty cổ phần Dược Mỹ phẩm Mypharma, số 436 phố Minh Khai, P. Vĩnh Tuy, Q. Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội đăng ký là website thương mại điện tử với Bộ Công thương. Cùng với đó, nhiều website còn đang được dẫn link từ website https://mypharma.vn/ của Công ty cổ phần Dược Mỹ Phẩm Mypharma.

Ngoài ra, bộ 2 sản phẩm được sản xuất tại Công ty TNHH Công nghệ cao Đông nam dược Bát Phúc do Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm MYPHARMA công bố và chịu trách nhiệm lưu hành trên thị trường hiện xuất hiện tại kệ của nhiều nhà thuốc, trong đó có cả các siêu thị thuốc MPG.

Như vậy, qua hồ sơ đăng ký lưu hành với Cục An toàn thực phẩm và hồ sơ đăng ký trang thương mại điện tử với Bộ Công Thương có thể thấy Công ty cổ phần Dược Mỹ Phẩm Mypharma là đơn vị chịu trác nhiệm về sản phẩm và những vi phạm quy định về quảng cáo đối với những website nêu trên. Dư luận xã hội hết sức lo lắng về chất lượng sản phẩm, mong muốn sự vào cuộc của cơ quan quản lý, đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Theo quy định tại điều 70, Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Cùng với đó, đối tượng vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả buộc cải chính thông tin và buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa bỏ những quảng cáo sai phạm.

Bên cạnh những nội dung quảng cáo đối với 2 sản phẩm MPSENO và MPSUNO của Công ty cổ phần Dược Mỹ Phẩm Mypharma, việc sử dụng hình ảnh Nhà khoa học - Bá Thị Châm và uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, những thông tin liên quan đến nhà thuốc Mypharma sẽ được Thương Trường tiếp tục thông tin trong các bài tiếp theo.

Theo Ths. Bs. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện TƯQĐ 108 , trước khi quyết định chọn mua và sử dụng loại thực phẩm chức năng nào, người tiêu dùng nên đặt ra mười câu hỏi: Thành phần mang lại hiệu quả chức năng của sản phẩm là gì, có sẵn tự nhiên trong thực phẩm hay do bổ sung vào; hiệu quả của sản phẩm ra sao, có nghiên cứu nào xác nhận lợi ích này không; nhà sản xuất có phải là một công ty có tiếng tăm tốt, đáng tin cậy không; trên nhãn có ghi hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không; thành phần bổ sung vào thực phẩm thế nào, có những thực phẩm nào ảnh hưởng đến sự hấp thu thành phần chức năng này không; thành phần chức năng bổ sung vào thực phẩm dưới dạng sinh học nào, có ở dưới dạng dễ hấp thu hay dễ chuyển hóa không; đặc điểm dinh dưỡng của thực phẩm chức năng có phù hợp với mục tiêu sức khỏe mà người sử dụng mong muốn không; so sánh giá cả của thực phẩm chức năng với thực phẩm thông thường, giá có tương xứng với thành phần chức năng mang lại lợi ích cho người sử dụng không; cách thức chế biến thực phẩm (nóng, lạnh) hay cách bảo quản có ảnh hưởng đến hiệu quả chức năng của thực phẩm không...

Theo Tạp chí Thương Trường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang