Đường của HAGL tại Lào 'chảy' về Việt Nam

author 09:04 01/04/2015

(VietQ.vn) - 50.000 tấn đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào vừa chính thức được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu với thuế suất trong hạn ngạch 2,5%.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Bộ Công Thương bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư, sản xuất tại Lào vào Bản Thỏa thuận về các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào với số lượng 50.000 tấn, với thuế suất trong hạn ngạch 2,5%. Đây là số lượng đường được cấp hạn ngạch nhập khẩu là con số khá lớn so với hạn ngạnh nhập khẩu mà Bộ Công Thương từng cấp cho các doanh nghiệp trong nước trong năm 2014. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hạn ngạch đường bổ sung trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Đường của HAGL tại Lào 'chảy' về Việt Nam

Ngành mía đường đang có mục tiêu cạnh tranh lớn từ Lào của "bầu" Đức. Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề nhập khẩu đường do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam đầu tư sản xuất tại Lào vào Việt Nam, trước đó, có một số ý kiến ủng hộ việc tiếp tục bảo hộ Ngành mía đường Việt Nam nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là tín hiệu để thúc đẩy ngành mía đường trong nước cần khẩn trương đổi mới.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, cần phải nhìn nhận thực tế, Nhà máy mía đường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào là do “một doanh nghiệp Việt Nam” đầu tư, vay vốn từ ngân hàng Việt Nam, đã và đang tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động của cả hai nước. Trong đó đa phần các cán bộ kỹ thuật canh tác mía và vận hành nhà máy là người Việt Nam.

"Có thể nói một cách hình tượng rằng cách làm của Hoàng Anh Gia Lai thực chất chỉ là thuê đất của các bạn Lào và sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai là “sản phẩm của Việt Nam”, Thứ trưởng Tú nhấn mạnh.

Nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại Lào thành công cũng có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam thành công và ngược lại nếu thất bại thì doanh nghiệp Việt Nam thất bại, ngân hàng Việt Nam mất tiền, người lao động Việt Nam mất việc và gánh nặng thuộc về nền kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng cho biết.

Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Tú, việc nhập khẩu đường của Hoàng Anh Gia Lai thực chất cũng chỉ là đường do Việt Nam sản xuất.

Cũng theo Thứ trưởng, việc tập cạnh tranh với một doanh nghiệp Việt Nam thành công thì ngành mía đường của Việt Nam mới đứng vững được trước áp lực cạnh tranh với hàng nghìn doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Giá đường trong nước đắt hơn nhiều giá đường Hoàng Anh Gia Lai và vi này cho rằng các doanh nghiệp trong nước cần tập cạnh tranh với Hoàng Anh Gia Lai. 

Theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong năm 2014 Việt Nam nhập khẩu khoảng 77.200 tấn đường. Bộ Công Thương đã cấp hạn ngạch nhập 40.000 tấn đường cho các doanh nghiệp chế biến, số còn lại cấp cho một số nhà máy tinh luyện đường trong nước (Mía đường Biên Hoà được cấp hạn ngạch nhập 15.000 tấn, Mía đường Lam Sơn 5.000 tấn...). 

Đầu tháng 1/2015 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn thống nhất với Bộ Công Thương về hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường là 81.000 tấn. 

Trà Phương

 


 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang