Đường dây sản xuất phân bón kali giả

author 07:58 22/08/2013

Một lượng lớn phân kali giả vừa được phát hiện tại tỉnh Đắk Lắk, điều đáng nói là để việc tiêu thụ trót lọt đã hình thành một đường dây SX, tiêu thụ có liên quan đến TP.HCM và Đắk Lắk.

Tuy nhiên, việc xác định địa chỉ “ổ” SX phân kali giả đến nay vẫn còn tắc!

Phân giả, hóa đơn thật

Vào giữa tháng 5/2013, Đội QLTT cơ động phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh Đắk Lắk tiến hành kiểm tra chiếc xe tải Asia mang BKS 47P-0104 do ông Nguyễn Kim Thành lái xe. Trên xe có 5 tấn phân kali 61% (ghi xuất xứ Isarel được nhập khẩu và phân phối bởi Cty CP Vinacam); 5 tấn phân Đạm Phú Mỹ và 10 tấn phân NPK 16-16-8 của Philippin và đều có hóa đơn xuất trình đầy đủ.

Chủ lô hàng nói trên là ông Nguyễn Mạnh Cường (phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đồng thời là chủ đại lý phân bón “Tân Cường Thịnh”. Ngày 20/5, đội QLTT đã lấy mẫu phân kali 61% gửi đi phân tích kiểm định chất lượng tại Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3 (Trung tâm 3), sau 10 ngày thì Trung tâm 3 trả kết quả cho biết hàm lượng kali chỉ có 0,1%.

Hóa đơn xuất bán lô phân kali giả 5 tấn của Cty TNHH TM-DV Ba Vì (quận 7, TPHCM) cho Đại lý Lập Lễ (Earốc, Easúp, Đắc Lắc)
Hóa đơn xuất bán lô phân kali giả 5 tấn của Cty TNHH TM-DV Ba Vì 
(quận 7, TPHCM) cho Đại lý Lập Lễ (Earốc, Easúp, Đắc Lắc)


Ngày 12/6, Sở NN-PTNT Đắk Lắk xác định lô hàng phân bón kali là giả. Ngày 19/6, đại diện Cty CP Vinacam khẳng định không phải do Cty nhập khẩu và phân phối mà đây là phân bón giả mạo tên Cty. Lúc đó, ngày 26/6, chủ hàng là ông Nguyễn Mạnh Cường mới thừa nhận đó là phân kali giả. Tuy nhiên, dù phân giả nhưng ông Cường lại trưng ra một hóa đơn mua hàng thật, đó là hóa đơn GTGT số 000058, mã số 01 GTKT 3/002- ký hiệu BV/12P ngày 11/5/2013 của Cty TNHH TM-DV Ba Vì (726 Huỳnh Tấn Phát, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM) phát hành do ông GĐ Lê Văn Điển ký.

Xác minh của chúng tôi cho thấy, Cty TNHH TM-DV Ba Vì có thuê địa chỉ 726 đường Huỳnh Tấn Phát là căn nhà của bà Nguyễn Thị Kim Thanh đang ở, để làm trụ sở làm việc từ tháng 4/2008 nhưng đến cuối năm 2010 Cty đã dọn đi chỗ khác.

Điều đáng nói, tuy không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ nói trên, nhưng Cty Ba Vì vẫn đăng ký và kê khai nộp thuế “hoành tráng” tại Chi cục Thuế quận 7 từ năm 2010 đến tháng 4/2013. Riêng hóa đơn 0000548 xuất bán lô hàng kali giả cho đại lý Lập Lễ (thôn 7, xã Earốc, huyện Easúp, Đắk Lắk), mặc dù Cty Ba Vì đã bỏ địa chỉ kinh doanh từ lâu nhưng cơ quan thuế vẫn không biết.

Vậy, Cty Ba Vì là “đầu mối” SX phân kali giả hay còn một tổ chức, cá nhân nào khác?

Kali giả của ai?

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, ngày 9/5/2013, anh Trần Ngọc Anh Vương là nhân viên của đại lý ông thông báo cho biết là đại lý phân bón Biên Dương (thôn 4, xã Hòa Xuân, TP Buôn Ma Thuột) có đặt mua một số mặt hàng phân bón gồm 5 tấn phân urê DPM và 5 tấn phân kali của Vinacam. Ngoài ra, đại lý Lập Lễ còn đặt hàng trực tiếp cho ông 10 tấn phân NPK của Philippin. Sau đó, ông Cường điện thoại cho ông Xuân (số ĐT 0987.279.671) ở tại TPHCM đăng ký mua 3 loại phân nói trên. “Sau khi thỏa thuận xong, tôi đồng ý mua và đề nghị anh Xuân xuất hóa đơn GTGT trực tiếp cho 2 đại lý phân bón Biên Dương và Lập Lễ”.

Phân đơn kali 61% nhập khẩu từ Israen thường bị làm giả
Phân đơn kali 61% nhập khẩu từ Israen thường bị làm giả


Tuy nhiên, anh Xuân là người như thế nào, ở đâu thì ông Cương nói: “Cách đây hơn 1 tháng có 1 người đàn ông điện thoại xưng tên là Xuân và chỉ nói địa chỉ ở TP.HCM có một số mặt hàng phân bón nhập khẩu, nếu tôi có nhu cầu mua thì điện thoại, khi nào nhận được hàng mới trả tiền”.

Còn ông Bùi Trung Lập, chủ đại lý Lập Lễ, nơi nhận lô phân kali giả từ hóa đơn GTGT hợp pháp của Cty Ba Vì thì giải thích: “Tôi không đặt hàng phân kali 61% và cũng không có quan hệ gì với Cty TNHH TM-DV Ba Vì và cũng không yêu cầu phía Cty này xuất hóa đơn. Việc xuất hóa đơn như vậy là do họ tự ý làm chứ không liên quan gì đến cơ sở của tôi.

Tóm lại, tôi chỉ biết đặt hàng từ ông Cường chỉ có 10 tấn phân NPK của Philippin SX, mà đặt hàng bằng miệng qua điện thoại chứ không có hợp đồng. Lâu nay, giao ước của tôi là khi nào giao hàng có hóa đơn đầy đủ thì đại lý mới trả tiền”.

Đến đây, để xác định nguồn gốc phân kali giả mạo thương hiệu Vinacam (quận 1, TP.HCM) đã bắt đầu thấy “đuối”, bởi Cty Ba Vì ở TP.HCM xác minh không có địa chỉ thật, đại lý Lập Lễ ở Đắk Lắk thì không chấp nhận hóa đơn xuất hàng của Cty Ba Vì, còn nhân vật “tên Xuân” nào đó ở TP.HCM lại rất mơ hồ, bởi “ông” này hiện ở đâu, làm gì, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thể xác minh làm rõ.

“Đối với vi phạm buôn bán hàng giả là phân bón kali 61% với số lượng 100 bao, tương đương 5 tấn của ông Nguyễn Mạnh Cường, theo biên bản định giá ngày 24/6/2013 của Hội đồng định giá thì giá trị lô hàng phân bón kali nói trên là 52.250.000 đồng. Như vậy, căn cứ vào điều 156 của Bộ luật Hình sự, vụ việc vi phạm này đã có dấu hiệu hình sự", (ông Trần Văn Hải, Phó đội trưởng Đội QLTT cơ động - Chi cục QLTT Đắk Lắk).

 

Đỗ Quyên

Theo NNVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang