Đường đi của bột ngọt nhập lậu vào Việt Nam

author 15:46 12/12/2018

(VietQ.vn) - Trên thị trường hiện nay, sản phẩm bột ngọt lậu hiệu “cái muôi” với tên chữ Hán “Vị Vương” vẫn đang được bày bán tràn lan tại các khu vực chợ trên nhiều tỉnh thành cả nước.

Sản phẩm này do Công ty Thai Fermentation Ind.Co.Ltd., (Thái Lan) sản xuất và xuất khẩu sang Lào và từ đây không ngừng tuồn lậu vào VN qua cửa khẩu Lao Bảo và có mặt tại chợ của các tỉnh thành từ Bắc vào Nam như Hà Nội, Hưng Yên, Khánh Hòa, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang,…

Tràn ngập từ biên giới

Mặt hàng bột ngọt nhập lậu trong thời gian qua vẫn âm thầm chảy vào VN, lấn chiếm đến phân nửa thị phần. Đến mức, Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, trong một văn bản ngày 24/6/2010 gửi chi cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoá đơn, chứng từ hàng hoá và việc ghi nhãn hàng hoá nhằm ngăn chặn bột ngọt lậu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nền sản xuất trong nước.

Hành trình tìm hiểu về đường đi của bột ngọt lậu của nhóm phóng viên bắt đầu từ cửa khẩu Lao Bảo, đi sâu vào đất Lào khoảng 150km là thị trấn Se Tha Muoc thuộc huyện Muong Phin, tỉnh Savan Nakhet. Chợ thị trấn nằm trên đường cái quan, đều đặn cứ vài ba ngày, những chuyến xe chở các loại hàng Thái lại đổ về. Những gói bột ngọt hiệu “cái muôi” trọng lượng 500gr chứa trong bao tải dứa hoặc bao nylon được chuyển đến các quầy sạp.

Chị Tucta - chủ một cửa hàng dọc đường lộ - cho biết: “Bột ngọt này do Cty Savan Vali của Lào ở tỉnh lỵ đem xuống phân phối cho chúng tôi”. Giá mỗi gói bột ngọt “cái muôi” trọng lượng 500gr bán tại sạp là 11.000K (kíp Lào) tương đương khoảng 25.800VNĐ.

 Cơ quan chức năng thu giữ nhiều bột ngọt nhập lập. Ảnh Thanhnien

Ngay trên đất Lào, bột ngọt “cái muôi” được nhập vào đã không được dán nhãn phụ ghi xuất xứ hay đơn vị nhập khẩu. Trên bao bì nguyên gốc có ghi dòng chữ bằng tiếng Anh “thời hạn sử dụng 5 năm tính từ ngày sản xuất”, nhưng không thấy chỗ nào trên bao bì có in ngày sản xuất.

Bước vào chợ thị trấn Se Tha Muoc lụp sụp và ẩm tối mới thấy hết sự phức tạp của các loại bột ngọt nhãn hiệu “cái muôi” với ít nhất 4 loại như thế nhưng khác nhau về một số yếu tố như trọng lượng, hình chiếc muôi, nhà sản xuất..., cùng chung đặc điểm là không có nhãn ghi rõ xuất xứ và thời hạn sử dụng.

Tại sạp chị Mon - một tiểu thương người Lào - lại thấy xuất hiện loại bột ngọt “cái muôi” trọng lượng 50gr được sản xuất tại Côn Minh (Trung Quốc). Nhóm phóng viên đang cầm trên tay săm soi thì một người phụ nữ bước đến bên buột miệng: “Hàng dỏm đó”. Chị Võ Thị Quý, từ Lao Bảo sang, cũng có một sạp hàng chuyên bán giày dép tại chợ này.

Chị Quý cho biết thêm: “Bột ngọt “cái muôi” có hai loại, loại “cái muôi” ngắn và “cái muôi” dài. Loại “cái muôi” dài tốt hơn, được người Lào cũng như người Việt mua nhiều hơn”. Sở dĩ loại “cái muôi” dài tốt hơn vì người dùng ăn vào thấy ngọt hơn; còn về yếu tố không nhãn nhập khẩu, không hạn sử dụng lại không được người mua quan tâm.  

Tại chợ huyện Sepon gần với cửa khẩu Lao Bảo càng thấy rõ hơn sự chiếm lĩnh gần như toàn diện của loại bột ngọt “cái muôi” tại đất Lào. Ở đây, bột ngọt được bày bán chung với nhiều loại hàng hoá từ thực phẩm, thức uống, hàng khô đến nông sản và cũng chẳng có được một con tem, nhãn nhập khẩu nào.

Không ngần ngại đón nhận bột ngọt “ba không”

Ngọt hơn là ngon hơn, chất lượng hơn - dường như đây là mẫu số chung trong các câu trả lời không chỉ của những người Lào và người Việt ở thị trấn Se Tha Muoc, Sepon, mà cả những tiểu thương tại các chợ ở nhiều tỉnh thành: Khánh Hòa, Hưng Yên, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh,... Trong “ma trận” của hiệu bột ngọt “cái muôi” rất khó xác định được thật, giả, nhái, thì hiệu “cái muôi” dài vốn lâu nay được tin dùng lại có những gói vơi đi với trọng lượng chỉ còn 400gr, được bán với giá từ 20.000 - 22.000 đồng. Những gói như thế cũng xuất hiện tại chợ thị trấn Se Tha Muoc và Sepon, được bán với giá 10.000K.

Chị T - một chủ sạp hàng gia vị tại chợ Dương Minh Châu (Tây Ninh) - giải thích: “Những gói như thế người ta lấy bớt bột ngọt ra để bán giá thấp hơn, hoặc lấy bột ngọt ra để pha thêm thứ khác vào”. Phỏng đoán của các tiểu thương cho rằng có thể là bột củ bình tinh, hoặc là loại bột ngọt khác chất lượng kém hơn. Ngay tại Tây Ninh, những người đi chợ vẫn thích mua bột ngọt “cái muôi” dài vì vị ngọt của nó đậm hơn, dẫn đến liều lượng ít hơn nên sẽ tiết kiệm chi phí.

Vào thời điểm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở nên nhức nhối, có quá nhiều sản phẩm đánh lừa cảm quan người dùng bằng màu sắc, sự bắt  mắt, hay hương vị..., thì việc đánh giá chất lượng theo vị giác lại chính là yếu tố chứa đựng nhiều nguy cơ. Đặc biệt, những thói quen tiêu dùng chỉ dựa vào cảm quan mà bỏ qua các yếu tố mang tính bắt buộc theo quy định của Nhà nước (không dán nhãn nhập khẩu, không ghi thời hạn sử dụng, không công bố chất lượng hàng hoá - “ba không”). Hiện chưa có những đánh giá chính thức về loại sản phẩm gia vị này về mức độ an toàn và chất lượng nhưng theo một kết quả kiểm định mới đây của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. HCM từ hai mẫu bột ngọt “cái muôi” dài 43rd và Chùa vàng, thì hàm lượng monosodium glutamat (người Việt quen gọi là bột ngọt) lần lượt đạt 98,2% và 98,7%; trong khi theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1459:2008, chất chính monosodium glutamat phải cao hơn 99% mới được xem là bột ngọt.

Nguyễn Khánh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang