Đường đi hàng hiệu Gucci lậu

author 13:05 16/08/2013

Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố đối với 2 bị can Nguyễn Bửu Quí và Nguyễn Văn Sáng (hai nhân viên hải quan của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV.4, ICD Phước Long - Cục Hải quan TP.HCM) nhưng cho tại ngoại để điều tra làm rõ về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Chỉ là tắc trách ?

Liên quan đến vụ buôn lậu hàng hiệu Ý, trước đó, cơ quan công an đã bắt tạm giam Lê Hồng Đức (36 tuổi, ngụ Q.1, nhân viên của cửa hàng Milano ở Q.1) và đến nay truy cứu trách nhiệm hình sự thêm 2 nhân viên hải quan trực tiếp kiểm hóa lô hàng nói trên. Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 27.11.2012, trinh sát của PC46 đã bắt quả tang 4 ô tô tải đang chuyển hàng thời trang mang nhãn hiệu Gucci và Dolce&Gabbana (D&G) có xuất xứ tại Ý từ trên xe vào kho của cửa hàng Milano dưới tầng hầm khách sạn Sheraton (số 80 Đông Du, P.Bến Nghé, Q.1).

Qua kiểm tra, phát hiện 114 kiện hàng (gồm 1.253 món hàng: quần áo, giày, túi xách, thắt lưng... mang nhãn hiệu Gucci và D&G của Ý) trị giá hơn 16 tỉ đồng; trong khi đó tờ khai hải quan chỉ thể hiện 1.052 món hàng quần áo, giày, túi xách không nhãn hiệu, ghi xuất xứ Trung Quốc trị giá hơn 77,5 triệu đồng. Do khai gian dối, đơn vị nhập khẩu chỉ đóng thuế hơn 28 triệu đồng (lẽ ra với số hàng thực tế đó phải đóng thuế hơn 550 triệu đồng).

Theo tài liệu của Cơ quan CSĐT, ngày 26.11.2012, Quí và Sáng được phân công kiểm tra lô hàng trên với tỷ lệ được phê duyệt kiểm tra thủ công là 10% tương đương 11 kiện ở vị trí đầu container. Kết quả kiểm tra của 2 nhân viên này cho thấy container còn nguyên seal, có ghi xuất xứ China trên bao bì sản phẩm, hàng mới 100%... song thực tế khi bị công an phát hiện thì hàng của Ý như đã nói trên.

Tuy nhiên, Quí và Sáng đều thừa nhận có thiếu sót trong công việc kiểm hóa. Họ chỉ kiểm tra bao bì thấy có chữ Hồng Kông (China), đối chiếu với các chứng từ như hợp đồng, bill, invoice thấy cũng ghi xuất xứ là China nên đã cho thông quan chứ không kiểm tra chi tiết hàng hóa cũng như nhãn hiệu theo quy định. Ngày 24.1.2013, Cục Hải quan TP.HCM cũng có công văn xác định hành vi của nhân viên kiểm hóa Quí, Sáng đã thiếu sót trong quá trình kiểm hóa là không ghi nhận cụ thể mặt hàng đã kiểm tra tỷ lệ và không xác định nhãn hiệu hàng hóa là chưa phù hợp với quy định...

Vụ buôn lậu hàng hiệu Ý: Khởi tố thêm 2 nhân viên hải quan
4 xe tải bị bắt vì vận chuyển hàng lậu - Ảnh: Đàm Huy

Đường đi của hàng hiệu lậu

Theo thông tin mới nhất từ cơ quan công an, Đức cùng một số đồng nghiệp khai nhận: số hàng nhập lậu trên sẽ được đưa về trưng bày, bán tại 2 cửa hàng Milano (số 88 Đồng Khởi, Q.1) và Gucci (số 80 Đông Du, Q.1) do Trần Anh Tuấn (tức Tuấn Trần, Việt kiều Mỹ) quản lý điều hành. Hai cửa hàng này chuyên kinh doanh các mặt hàng quần áo, giày dép... chính hãng từ châu Âu nhưng được vận chuyển quá cảnh tại Hồng Kông, sau đó nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

Được biết năm 2004, Tuấn đã nhận bà Võ Thị Ngọc Phượng (30 tuổi, ngụ Q.2) vào làm tạp vụ tại cửa hàng Milano với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Đến tháng 9.2009, viện lý do là Việt kiều, Tuấn đã nhờ Phượng đứng tên chủ hộ kinh doanh cửa hàng Milano để ký hóa đơn, hợp đồng... Còn cửa hàng Gucci, Tuấn đã nhờ ông Lâm Phước Hải (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) đứng tên hộ kinh doanh cửa hàng này từ năm 2007 với mức lương 20 triệu đồng/tháng, sau này tăng lên 38 triệu đồng/tháng.

Khi nhập khẩu, Đức sẽ báo cho Cao Thị Anh Thư (trưởng bộ phận XNK do Tuấn chỉ định) để báo cho nước ngoài lập bill hàng và invoice, packinglist. Sau đó, Đức đã nhờ Nguyễn Thụy Cương, Phạm Văn Hoàn (cả hai là nhân viên giao nhận tự do) thuê pháp nhân của Công ty TNHH Nam Đế (trụ sở ở Q.3) nhập khẩu lô hàng bị công an bắt nói trên với giá trọn gói 130 - 140 triệu đồng/container.

Trước khi bị bắt, bằng thủ đoạn tương tự, đường dây này cũng đã sử dụng pháp nhân của 2 công ty khác để nhập hàng về cho 2 cửa hàng nói trên bán. Đáng chú ý, qua xác minh tại Vietcombank, cơ quan điều tra đã phát hiện từ ngày 23.9.2011 đến 21.11.2012, bà Phượng đã chuyển 14 lần tiền phí giao nhận vào tài khoản của Cương tổng cộng là hơn 2,2 tỉ đồng; tại Eximbank từ ngày 13.3.2012 - 31.7.2012, Phượng đã chuyển cho Cương hơn 2,6 tỉ đồng... Nhiều tài liệu, chứng cứ bị thu giữ cho thấy Tuấn điều hành 2 cửa hàng trên nhưng cơ quan điều tra xác định Tuấn đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ ngày 20.12.2012 và đến nay chưa nhập cảnh lại...

Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Đàm Huy

Theo TN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang