Đường đi "hợp pháp" siêu xe lậu

author 06:34 23/09/2013

Việc cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố 6 cán bộ quản lý thị trường, thuế tại Hải Dương và một giám đốc chuyên kinh doanh xe mô tô phân khối lớn đã cho thấy đường đi của loại xe này khi hợp pháp hóa, mà không tốn tiền nộp thuế.

Không có xe vẫn ra quyết định tịch thu, thanh lý

Theo điều tra của cơ quan công an, trong thời gian tháng 7/2007 - tháng 4/2008, hồ sơ của Đội quản lý thị trường số 3 Hải Dương có bắt giữ, xử lý 34 vụ việc, tịch thu 85 xe mô tô phân khối lớn không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, cơ quan này không báo cáo sự việc lên Chi cục Quản lý thị trường Hải Dương, mà "lặng lẽ" tự xử lý bằng cách phạt tiền và tịch thu số xe trên. Sau khi tịch thu một lượng lớn xe phân khối lớn, Đội Quản lý thị trường số 3 đưa ra lý do số xe này đã cũ nát, không giấy tờ. Đồng thời, nhóm cán bộ này đã tự định giá khoảng 5 triệu đồng/chiếc xe để tẩu tán tài sản.

Xe biển số ngoại giao bị Công an thu giữ điều tra

"Tiếp sức" cho Đội Quản lý thị trường số 3, Phòng tài chính - kế hoạch huyện Ninh Giang làm thủ tục đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, chỉ có hồ sơ khống được lập, chứ không có tài sản chuyển kèm. Số tài sản được hoàn thiện trong hồ sơ đấu giá bán cho Huỳnh Văn Xuân (Công “mô tô”), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Công Sài Gòn.

Mặc dù khai với cơ quan công an là bán xe với giá 10 - 12 triệu đồng/chiếc, nhưng xác minh các chủ xe sau này cho thấy, với 11 chiếc mô tô khủng, khách hàng phải chi 112.000 USD và 574 triệu đồng để mua lại, tức là gấp nhiều lần số tiền mà cơ quan nhà nước thu được khi ra quyết định thanh lý xe.

Chuyện tịch thu, thanh lý giá bèo mà không kèm xe thật cũng diễn ra ở huyện Quang Bình, Hà Giang vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 và đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Khi đó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, ông Nguyễn Tiến Hưng, đã ra hàng loạt quyết định tịch thu, giao Phòng Tài chính lập hội đồng định giá, thanh lý số tài sản gồm "50 xe mô tô phân khối lớn" là "hàng vô chủ", "được công an huyện phát hiện tại xã Tân Bắc và Yên Thành.

Hồ sơ còn lưu tại Phòng Tài chính huyện cho thấy, ngoài 3 chiếc Honda Spacy 125 cm3 nhập nguyên chiếc, thì 47 chiếc xe còn lại đều là xe phân khối lớn do các hãng danh tiếng sản xuất, như Boss Hoss, Harley Davidson, Honda, Can- Am, Yamaha, Suzuki, Dnepr, Buell... có giá bán trên thị trường từ vài ngàn lên đến hàng chục ngàn USD, nhưng lại được "thanh lý" với giá 3,7 - 4,7 triệu đồng/xe.

Trong số này có xe mô tô Boss Hoss 8.200 cm3 với giá xuất xưởng từ 80.000 USD, nhưng được Hội đồng Thanh lý huyện Quang Bình định giá 9,2 triệu đồng. Tương tự, những chiếc Honda Spacy 125 cm3 nhập nguyên chiếc, giá thị trường khoảng 5.500 USD/chiếc, nhưng chỉ được thanh lý với giá hơn 2,2 triệu đồng...

Sau khi thanh lý 50 xe mô-tô phân khối lớn, Phòng Tài chính huyện Quang Bình đã sung công quỹ 208 triệu đồng.

Đáng nói là, dù Hội đồng thanh lý huyện Quang Bình tổ chức thanh lý gần như "bí mật", nhưng người mua được xe lại đến từ Thái Bình, Hà Nội và TP.HCM.

Sau đó, khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe có giá thanh lý quá thấp so với thực tế của xe, một số quận ở TP.HCM đã nảy sinh nghi ngờ, gửi công văn đề nghị Chủ tịch UBND huyện Quang Bình và công an huyện xác nhận chữ ký.

Đáng nói là, khi sự việc được phát hiện, người đứng đầu công an huyện Quang Bình đã thừa nhận, được người quen nhờ làm thủ tục để đăng ký, nên đã lập hai biên bản phát hiện hàng vô chủ tại xã Tân Bắc, Yên Thành rồi nhờ trưởng công an xã ký tên, đóng dấu và sau đó làm các thủ tục thanh lý xe, dù không có bất cứ chiếc xe nào.

Đường ngắn, đường dài

Trên các mạng xã hội gần đây, đã có những bình luận công khai chế giễu cơ quan hữu trách hớ to khi tiến hành kiểm tra đột xuất một số cuộc tụ họp của những câu lạc bộ mô tô phân khối lớn, hàng khủng bởi họ có giấy tờ đầy đủ.

Tuy nhiên, khi đường dây hợp pháp hóa nguồn gốc xe mô tô phân khối khủng được cơ quan công an sờ gáy, dân tình mới hiểu cách các đại gia trốn thuế để sở hữu siêu xe.

"Tạo điều kiện" cho cơ quan chức năng tịch thu, rồi ra quyết định thanh lý với giá bèo và mình mua lại là cách đi mà giới chơi xe rỉ tai nhau lâu nay. Sau khi mua được hàng thanh lý từ cơ quan hữu trách, những xe mô tô khủng từ chỗ không được phép lưu hành đã có được bộ giấy tờ hợp pháp để đăng ký, ra biển số. Dĩ nhiên, cách đi này phải có sự giúp sức của cán bộ trong cơ quan nhà nước liên quan.

Thực tế đấu giá công khai, thu về cỡ 20 tỷ đồng cho khoảng 20 xe ô tô bị công an tỉnh Phú Thọ tịch thu và mang đấu giá cũng cho thấy, xe khủng không dễ dàng trốn thuế nếu cơ quan hữu trách làm đúng chức năng nhiệm vụ.

Tại Hà Nội, với 10 mô tô phân khối khủng mang các nhãn hiệu Honda Goldwing, Harley Davidson, Kawasaki Vucal, Suzuki Hayabusa hay BMW đã vào Việt Nam từ năm 2008-2009 theo đường ngoại giao, cơ quan thuế đã thu được khoảng 1,3 tỷ đồng ở khâu nhập khẩu khi các xe này sang tên, đổi chủ đàng hoàng.

Với việc nhiều cơ quan chức năng ủng hộ phương án tịch thu mô tô, ô tô biển ngoại giao hết hạn lưu hành mà không đóng thuế, chuyển quyền sở hữu để làm nghiêm, câu chuyện giám sát tịch thu, thanh lý để không gây thất thoát thuế cho Nhà nước cũng cần những hành lang pháp lý dễ dàng để không bị lợi dụng.

Ngoài ra, để quản lý tình trạng đổ bộ của các loại xe mô tô phân khối lớn, đắt tiền, mang các nhãn hiệu lớn như Honda Goldwing, Harley Davidson hay BMW theo đường tài sản của Việt kiều hồi hương, rất có thể các Việt Kiều sẽ phải xuất trình giấy phép lái xe phân khối lớn trước khi cấp giấy phép nhập khẩu. Hàng loạt động thái này cũng là nhằm giảm thất thoát ngân sách nhà nước với những dân chơi mê xe mô tô khủng.

Thanh Hương - ĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang