Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Bao giờ cho đến ngày về đích?

author 11:01 03/04/2018

(VietQ.vn) - Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể coi là dự án “sống còn” với Hà Nội, tuy nhiên lại liên tục bị đội vốn, lùi tiến độ khiến người dân bức xúc.

Theo báo Hà Nội Mới, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng thể tình hình triển khai dự án nói trên, trong đó Bộ đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận điều chỉnh giai đoạn kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác sử dụng trong năm 2021. Điều này khiến một số cơ quan thông tin đại chúng hiểu nhầm là dự án tiếp tục bị chậm, điều chỉnh lùi tiến độ đến năm 2021. Thực tế trong văn bản báo cáo Thủ tướng không có sự điều chỉnh thời gian vận hành dự án.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Bao giờ cho đến ngày về đích?

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành toàn tuyến vào tháng 8/2018. Ảnh: An ninh tiền tệ

Dự án sẽ hoàn thành toàn tuyến vào tháng 8/2018. Tháng 9/2018 bắt đầu vận hành chạy thử về kỹ thuật bao gồm căn chỉnh tổng hợp, vận hành thử không tải, vận hành chở khách mô phỏng. Thời gian chạy thử từ 3 đến 6 tháng, tùy thuộc vào kết quả chạy thử để tiến hành khai thác thương mại. Năm 2021 là thời gian kết thúc bảo hành của toàn dự án mà phía Trung Quốc thực hiện. 

Nói về dự án này, trao đổi trên tờ Tiền Phong, Tiến sỹ, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy cho hay, dự án Cát Linh - Hà Đông là điển hình cho sự trì trệ, làm việc thiếu khoa học và thiếu trách nhiệm.

Trực tiếp quan sát dự án, Tiến sỹ Thủy đánh giá, công nghệ, thiết kế của dự án “hơi thô” so với dự án các nước châu Âu. “Tôi biết, đoàn tàu của dự án này trước đây thiết kế không được đẹp như đoàn tàu bây giờ vì có nhiều người chê. Nhà ga cũng chỉ nên thiết kế gọn nhẹ, không nên làm đồ sộ, cột to lớn như vậy. Tới đây, dù nước ngoài thiết kế nhưng chúng ta có thể sửa về kiến trúc, Việt Nam hóa một số yếu tố” - Tiến sỹ Thủy nói.

Chuyên gia này cũng phân tích: Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể coi là dự án “sống còn” với Hà Nội vì giúp giải quyết ách tắc giao thông, là dự án được nhân dân trông đợi, một dự án trọng điểm quốc gia. Vì vậy, việc chậm trễ, đội vốn càng khiến người dân bức xúc.

Giá vàng hôm nay 3/4: Vàng bật tăng trước sự suy yếu của đồng đô la(VietQ.vn) - Giá vàng hôm nay 3/4: Vàng thế giới tăng bật tăng, và cũng là ngày thứ 2 vàng trong nước tiếp đà tăng trước nỗi lo chiến tranh thương mại và đồng USD yếu khiến nhu cầu tài sản an toàn tăng.

Theo chuyên gia này, nguyên nhân chính của chậm tiến độ, đội vốn do hợp đồng được ký không quy chuẩn, khiến cho cả hai bên “tự tung tự tác”. Tổng thầu Trung Quốc có thể sửa, thay thế đoàn tàu. Bên Việt Nam cũng tự thay đổi, làm chậm tiến độ. Theo ông Thủy, hợp đồng phải chỉ rõ, Tổng thầu Trung Quốc làm chậm bị phạt bao nhiêu; còn phía Việt Nam điều hành không tốt cũng bị phạt, cách chức.

“Tôi cho rằng, một bộ phận điều hành dự án này chuyên môn yếu, không nắm bắt được mô hình tàu điện đô thị nên không biết tập trung vào cái chính để làm. Có thể họ cũng không biết hết lợi ích từng ngày từng giờ của dự án này đối với Hà Nội và cả nước” - ông Thủy nói.

Chuyên gia Thủy đề nghị, với riêng dự án này cần lắp ngay đồng hồ đếm ngược về ngày hoàn thành dự án. Nếu chậm trễ phải kỷ luật, cách chức.

Về lâu dài, với các dự án tương tự, ông Thủy đề nghị các chủ đầu tư phải mời các chuyên gia độc lập, chuyên môn giỏi để phản biện, góp ý. “Ví dụ, tàu điện các nước đều làm bằng điện một chiều, nhưng dự án Cát Linh - Hà Đông này làm hai chiều. Một chiều theo tôi biết là có ưu điểm về tốc độ khởi động, thiết kế gọn nhẹ. Vậy vì sao làm hai chiều cần có thuyết trình rõ ràng, khoa học” - ông Thủy nói.

Minh Châu (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang