Đứt cáp quang biển AAG Internet Việt Nam chậm cả tuần

author 07:46 22/12/2013

(VietQ.vn) - Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông FPT Telecom vừa cho biết tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gateway) đã xảy ra sự cố đứt tại phân đoạn Vũng Tàu – Hong Kong, khiến 60% lưu lượng kết nối Internet của Việt Nam ra quốc tế bị ảnh hưởng.

Theo thông tin từ FPT Telecom, vị trí cáp quang biển bị đứt cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 278 km. Sự cố này khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng, gồm FPT Telecom, VNPT, Viettel và Saigon Postel (SPT).

Theo đó, việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… sẽ bị ảnh hưởng do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.

FPT Telecom khuyến cáo khách hàng nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng của mình, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tối ưu hoá dung lượng truyền tải.

Hiện tại, FPT Telecom và các nhà mạng khác đang gấp rút phối hợp chặt chẽ với đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển AAG để khôi phục liên lạc khi tuyến cáp được sửa chữa xong.

AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California). Có 4 nhà mạng viễn thông của Việt Nam tham gia khai thác tuyến cáp quang biển AAG là VNPT, Viettel, FPT Telecom và Sangon Postel (SPT).

Tháng 8/2012, tuyến cáp này đã từng bị đứt ảnh hưởng lớn đến việc kết nối Internet ra quốc tế của Việt Nam. Hoạt động sửa chữa đợt đứt cáp lần đó kéo dài gần 1 tháng. Trước đó vào năm 2011, tuyến cáp cũng đã vài lần gặp sự cố đứt cáp tương tự.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc VDC cho hay, việc tuyến cáp này bị đứt ảnh hưởng tới khoảng 40% lưu lượng Internet ra quốc tế của VDC. Ngoài AAG, đơn vị này cũng khai thác tại một số tuyến cáp biển và đất liền khác. Hiện tại, VDC đã khắc phục được khoảng 60% lưu lượng bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Telecom cũng cho biết lưu lượng Internet ra quốc tế của doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng khoảng 27-31%. FPT đã dùng tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng từ AAG. Đại diện Viettel thì nói đơn vị này bị ảnh hưởng khoảng 15% lưu lượng và đang phối hợp với các bên để khắc phục.

Theo kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Hồng Hải phỏng đoán nguyên nhân có thể do tàu biển lớn thả neo, khi kéo neo làm đứt cáp hoặc do chấn động địa chất… Và, việc hàn cáp sẽ mất ít nhất 5-7 ngày.

Tuy nhiên, trong trường hợp phức tạp (biến động thời tiết, tàu hàn cáp quang không ở gần khu vực, thủ tục xin vào vùng biển bị đứt cáp…) thì việc khôi phục này có thể kéo dài tới hai tuần. Thêm vào đó, khi hàn xong cáp, kỹ thuật viên còn phải kiểm tra lại hệ thống xem kết nối các sợi cáp đã chuẩn chưa, rút máy móc… nên dù hàn xong cũng phải mất thời gian ngắn để lưu lượng Internet vận hành như bình thường.

Trước đó, ngày 8/3/2011, tuyến cáp quang AAG cũng bị đứt. Song phải 20 ngày sau thì tuyến cáp này mới được khôi phục. AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng vào tháng 11/2009 với chiều dài hơn 20.000km, dung lượng thiết kế đạt 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Điểm cập bờ ở Việt Nam là ở Vũng Tàu.

Ngoài khả năng kết nối Đông Nam Á với Mỹ, AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn độ, châu Âu và châu Phi thông qua điểm cập bờ của hệ thống.

T.H

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang