​Duy trì án tử hình có răn đe được tội phạm?

author 17:07 27/08/2015

Bỏ án tử hình liệu tội phạm có gia tăng không là vấn đề mà nhiều đại biểu đặt ra tại hội nghị đại biểu Quốc hội thảo luận một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao, chánh án Tòa án quân sự trung ương) cho rằng cá nhân ông muốn có thêm rất nhiều tội không áp dụng án tử hình

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 25 và 26-8 tại Hà Nội. 

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình đối với 7 trên 22 tội danh có hình phạt tử hình trong quy định hiện hành.

Nhiều ý kiến đồng tình với phương án này và đề nghị cần bỏ hình phạt tử hình thêm đối với một số tội khác như tham ô, nhận hối lộ, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh vì thực tế việc truy tố, xét xử các tội này từ trước đến nay rất ít.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn vì cho rằng nếu bỏ hình phạt tử hình sẽ không có tác dụng răn đe với tội phạm.

Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao, chánh án Tòa án quân sự trung ương) cho rằng cá nhân ông muốn có thêm rất nhiều tội không áp dụng án tử hình.

“Tôi đã nghiên cứu về hình sự, về hình phạt tử hình hàng chục năm nay. Đến bây giờ, chưa có nhà khoa học nào khẳng định rằng áp dụng hình phạt tử hình sẽ giảm tội phạm. Nếu áp dụng tử hình mà giảm tội phạm thì tôi ủng hộ cả hai tay. Trên thực tế, tác dụng răn đe của hình phạt này không nhiều” - trung tướng Độ nêu vấn đề.

Tướng Độ dẫn ví dụ khi xét xử vụ án một bị cáo giết người có khung hình phạt cao nhất là tử hình, tòa hỏi bị có biết phạm tội sẽ bị tử hình hay không? Bị cáo trả lời khi ấy bức xúc quá thì phạm tội chứ chẳng nghĩ gì đến hình phạt.

Ở một số tội phạm ma túy, tòa hỏi tại sao phạm tội, bị cáo trả lời vận chuyển 100g ma túy chúng tôi đã bị tử hình rồi thì hàng ký, hàng chục ký cũng tử hình cả. Cứ thế họ buôn bán lần đầu vài bánh, lần sau hàng chục bánh, đến hàng trăm bánh và nghĩ “đằng nào cũng tử hình nên cứ phạm tội”.

Theo ông Độ, việc giảm tội phạm là do chính sách, cơ chế, điều kiện kinh tế, xã hội, giáo dục con người...

Đồng tình với trung tướng Độ, đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng việc giảm bớt hình phạt áp dụng án tử hình đối với việc giảm tội phạm không liên quan với nhau. “Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) giảm hình phạt tử hình là hợp lý và xu hướng nên giảm thêm một số tội, đồng thời bổ sung một số hình phạt mới”- ông Lịch nói.

Ông Trương Minh Hoàng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) cho rằng việc giảm án tử hình là phù hợp với chính sách nhân đạo của VN và xu hướng chung của thế giới.

“VN rất nặng quan hệ dòng tộc, anh em, họ hàng. Khi một người bị tử hình thì ảnh hưởng đến cả gia đình, người thân, họ tộc, làm những người trong gia đình rất khó hòa nhập xã hội. Khi đó họ sẽ nghĩ chính sách của Nhà nước ta như thế nào” - ông Hoàng đặt vấn đề.

Bên cạnh việc bỏ 7 tội không áp dụng án tử hình, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) cũng có quy định “không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử”.

Trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân mà muốn được ân giảm thêm lần nữa thì phải chấp hành ít nhất 25 năm tù.

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Theo Tuổi trẻ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang