Gấu nuôi tấn công người, lỗi do đâu?

author 16:15 16/01/2015

(VietQ.vn) - Vừa qua, trường hợp em bé bị gấu cắn đứt tay khi đang chơi trong vườn tại TP.HCM đã làm dấy lên nỗi lo ngại về việc nuôi gấu trong nhà của không ít hộ dân.

Theo tin tức trên tờ VnExpress, chiều ngày 11/1 một em bé bị gấu cắn đứt tay trong khi đang chơi trong vườn nhà tại Hóc Môn (Tp.HCM). Cơ quan Công ước về thương mại quốc tế các loài hoang dã Việt Nam (CITES) phía nam cho biết, con gấu này không nằm trong hồ sơ quản lý của Chi cục Kiểm lâm TP HCM. 

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp gấu nuôi tấn công người, trước đó trong tháng 4/2014 một em bé hơn 28 tháng cũng đã bị gấu tấn công khi đang chơi gần khu vực nuôi gấu tại nhà của ông nội cháu.

Vụ việc em bé bị gấu cắn đứt tay đã khiến nhiều người đau lòng

Vụ việc em bé bị gấu cắn đứt tay đã khiến nhiều người đau lòng. Ảnh minh họa 

Phong trào nuôi gấu lấy mật bắt đầu nở rộ ở Việt Nam cách đây hơn chục năm, dù hành vi này bị cấm. Năm 2005, có tới 4.600 con gấu được nuôi tại nhà dân. Số này được bắt từ tự nhiên hoặc nhập khẩu trái phép từ các nước xung quanh như Lào, Campuchia, hoặc tại các khu rừng ở Việt Nam. Toàn bộ cá thể gấu trên đều không có hồ sơ và nguồn gốc rõ ràng.

Trước tình trạng này, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Thủ tướng ban hành quyết định siết chặt quản lý gấu bằng cách gắn chíp và lập hồ sơ từng cá thể, giao cho người dân nuôi hết đời.

Theo Cơ quan CITES Việt Nam (Tổng Cục lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp) số lượng gấu nuôi nhốt tại hộ dân đã giảm đáng kể khi việc quản lý loài này ngày càng chặt chẽ. Bên cạnh đó, số gấu ngoài tự nhiên gần như tuyệt chủng, số gấu già đã chết dần, người dân không còn tin tưởng vào tác dụng của mật gấu khiến các hộ nuôi gấu với mục đích thu lợi dần dần từ bỏ. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 1.800 con gấu đang được nuôi tại hộ dân và có gắn chíp theo dõi.

Sau vụ việc em bé bị gấu cắn tay, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc nuôi gấu trong nhà

Sau vụ việc em bé bị gấu cắn tay, nhiều người bày tỏ lo ngại về việc nuôi gấu trong nhà. Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, môi trường sống của gấu không phải là nuôi nhốt. Chuồng trại nuôi gấu của người dân thường không đạt chuẩn. Có con gấu bị nhốt trong cũi sắt chỉ khoảng một mét vuông, trong khi ngoài tự nhiên chúng di chuyển 5 km một ngày. Những yếu tố này khiến chúng bị căng thẳng và dễ tấn công người. Trên thực tế có rất nhiều gấu nuôi không được gắn chip và không có hồ sơ quản lý. 

Bên cạnh đó, đặc điểm của đa phần các loài thú hoang đều có bản tính hoang dã và nguy hiểm, nếu không có những biện pháp nuôi nhốt an toàn thì những con thú này hoàn toàn có thể tấn công, gây tổn hại đến sức khỏe hay thậm chí tính mạng của những người xung quanh.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật, việc nuôi nhốt, mua bán hay vận chuyển những loài động vật hoang dã như gấu, hổ… không rõ nguồn gốc như vậy là vi phạm pháp luật, nếu vụ việc nghiêm trọng thì hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự. Hơn nữa, nếu người dân phát hiện ra những trường hợp nào nuôi nhốt động vật hoang dã nên báo cáo ngay với phía Chi cục để kịp thời kiểm soát, theo dõi tình hình.

Đinh Ly (tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang