Em trai nhiễm chất độc da cam, tật nguyền bị 6 anh chị em ruột đưa ra tòa

author 07:08 10/05/2016

(VietQ.vn) - Chỉ vì muốn đòi mảnh đất mẹ để lại cho đứa em tật nguyền vì nhiễm chất độc da cam, 6 anh chị em ruột đã đưa em ra tòa.

Tin tức trên báo Tuổi Trẻ cho hay, chiều 6/5, phòng xét xử TAND huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang lặng đã diễn ra một phiên tòa hết sức đặc biệt.

Theo đó, phía nguyên đơn là hai người đàn ông và ba người phụ nữ là chị em ruột, một người khác lấy chồng xa vắng mặt nên ủy quyền cho một trong hai người anh làm đại diện.

Phía bị đơn là một người đàn ông ngồi trên ghế và một chàng trai tật nguyền ngồi bệt dưới đất, chân tay lúc lắc không yên. Sau lưng họ là khoảng không trống lạnh.

Người em tật nguyền vì nhiễm chất độc da cam ngồi bệt xuống đất hầu tòa. Ảnh: Tuổi Trẻ

 Theo Tuổi Trẻ, càng trai tật nguyền tên là Phạm Thanh Tùng, SN 1982, bị nhiễm chất độc da cam, mất đi 85% sức khỏe.

Ba của Tùng là ông Phạm Văn Tranh, còn mẹ là bà Hoàng Thị Huệ đều đã mất.

Bà Huệ có với ông Tranh 8 người con gồm bốn trai và bốn gái, ai cũng lành lặn, chỉ có Tùng là con út lại không may bị nhiễm chất độc da cam, mới lọt lòng đã sống cảnh tật nguyền.

Chồng mất sớm, toàn bộ tài sản do bà Huệ đứng tên. Trước lúc tạ thế, bà Huệ đã cẩn thận cắt đất chia cho mấy người con lành lặn của mình. Một thửa đất biền lá ven sông Cái Bé, bà sang tên cho Tùng để sau này Tùng có thể cho thuê lấy tiền sinh nhai.

Riêng miếng đất vườn có căn nhà tường, khu mồ mả, bà viết di chúc để lại cho Tùng và anh trai kế Phạm Văn Sơn với di nguyện Sơn trông coi và đùm bọc đứa em tật nguyền.

Sau khi bà Huệ mất thì hai người anh lớn là ông Phạm Văn Truyền (SN 1969), ông Phạm Văn Luận (SN 1973) bắt đầu tranh chấp, yêu cầu phải hủy bỏ tờ di chúc của bà Huệ và chia tài sản thành 8 phần.

Cuối tháng 5/2014, Tùng nhận được thông báo của TAND huyện Châu Thành về việc thụ lý vụ án, đứng đơn kiện tranh chấp tài sản thừa kế là ông Truyền và ông Luận.

4 người chị gái là người có liên quan và có yêu cầu độc lập. Riêng người anh Phạm Văn Sơn (SN 1976) cùng đồng bị đơn do được mẹ giao giữ một bản di chúc.

Tại phiên tòa mở ngày 29/4/2016, đại diện UBND huyện Châu Thành xác nhận các giấy tờ nhà đất do cá nhân bà Huệ đứng tên, hợp đồng tặng cho đất của bà Huệ là hợp pháp và bản di chúc của bà Huệ lập tại phòng công chứng cũng hợp pháp nên UBND huyện căn cứ vào đó để cấp giấy chứng nhận cho Tùng đứng tên sử dụng.

Do đó, UBND huyện Châu Thành sẽ không thu hồi các giấy chứng nhận đã cấp cho Sơn và Tùng.

Sau một tuần nghị án, HĐXX đã bác yêu cầu của ông Truyền, ông Luận cùng bốn người chị gái và công nhận phần nhà đất mà bà Huệ đã cho và di chúc để lại thuộc quyền sử dụng, sở hữu của hai anh em Sơn và Tùng.

Chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ sau phiên tòa, Phạm Thanh Tùng cho biết: “Tòa xử có lý có tình như vậy là mừng, nhưng trong lòng em đau lắm!”

Rồi Tùng kể: “Hồi mới xảy ra tranh chấp, trước khi quyết định ra khỏi nhà để tới nương tựa nhà vợ anh Sơn, em có nói với anh Luận rằng tuy là nhà đất má cho em nhưng chưa lúc nào em muốn giành riêng hết. Nếu anh chị nào cần tiền em có thể bán chia cho. Anh Luận nói tao sẽ kiện ra tòa để tòa xử, chứ đâu đợi mày cho”.

Rồi ông Luận, ông Truyền và bốn người chị kiện thật. Tùng được anh kế cùng bị kiện bế ra hầu tòa.

Theo báo CAND, đây không phải là cảnh “nồi da xáo thịt” hi hữu mà những tranh chấp đất đai đã và đang phát sinh ngày một nhiều làm rạn nứt tình anh em, thậm chí không ít người đã phải vào tù.

Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Văn Hậu (SN 1973, trú tại thông Nại Châu, xã Chu Phan, huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Do mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai mà ngày 13-2-2016 vừa qua, Hậu đã vác dao đâm gục 2 người anh của mình. Những nhát dao chí mạng của Hậu khiến một người anh trai tổn hại 75% sức khỏe, người còn lại là 14%. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Mê Linh (TP Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hậu về hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Cũng theo tờ báo này, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “anh em như thể tay chân”, sau những kiện tụng, tranh chấp, cái được chỉ là phần vật chất, còn cái mất thì quá to lớn, không thể nào cân, đong, đo, đếm được.

Một khi đã lôi nhau ra tòa, thì khi bước ra khỏi phòng xử thì tình nghĩa anh chị em đã không còn được nguyên vẹn như xưa chứ đừng nói chi chuyện tranh chấp dẫn đến đổ máu. Những hệ lụy đó có khi còn kéo dài đến đời sau, con cháu không nhìn mặt nhau.

Lâm Anh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang