EVFTA – Hàng Việt đang đi trên ‘con đường cao tốc hướng Tây’

author 07:32 17/02/2020

(VietQ.vn) - Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) có hiệu lực, ngay lập tức hàng trăm dòng thuế xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ về mức 0%, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này sẽ được hưởng lợi rất lớn.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn là dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Điều này cho thấy, Liên minh châu Âu- thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới, đã chính thức ghi nhận những nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững của Việt Nam và quyết tâm tăng cường hợp tác với nước ta.

Hiệp định EVFTA được phê chuẩn là một dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của kinh tế Việt Nam. 

Lợi ích đến từ những con số có thể cân, đo, đong, đếm

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối chúng ta tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường...

Lợi ích đến từ những con số có thể cân, đo, đong, đếm được: Ngay lập tức, châu Âu dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, Việt Nam xóa bỏ 48,5% tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ, mà với Hoa Kỳ thì chúng ta chưa có hiệp định thương mại tự do), tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và Châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao và giá rẻ. 

Với sự tham gia của các đối tác châu Âu, chúng ta kỳ vọng, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên… Bên cạnh đó, nỗ lực vươn tới những chuẩn mực quốc tế về quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp, về lao động, môi trường… cũng sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Gabor Fluit- thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam cho hay, EVFTA được phê chuẩn là tin vui, có tác động tích cực tới doanh nghiệp Việt Nam cũng như EU. Các hàng hóa mà Việt Nam xuất khẩu sang EU nhiều như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản... sẽ càng có thêm nhiều cơ hội tăng cường đưa hàng vào châu Âu. Các sản phẩm còn mới hoặc chưa xuất khẩu vào châu Âu như thịt gà, thịt heo... cần có thêm thời gian bởi phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm rất cao mà EU đang áp dụng.

Dệt may là một trong những ngành có nhiều cơ hội tăng cường hàng vào thị trường châu Âu. 

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp châu Âu cũng sẽ tận dụng cơ hội giảm thuế để đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Đó là các loại nông sản như táo, lê, khoai tây, lúa mì, thịt gà. Giá thịt heo của Việt Nam đang ở mức rất cao do tác động của dịch tả heo châu Phi nên các doanh nghiệp châu Âu cũng đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu loại thịt này vào Việt Nam.

Phần lớn nông sản từ EU vào nước ta không cạnh tranh trực tiếp với nông sản trong nước mà có yếu tố bổ sung cho nhau. Việc giảm thuế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tăng cường trao đổi và cuối cùng là người tiêu dùng hưởng lợi khi tiếp cận được nhiều loại hàng hóa hơn với giá phải chăng hơn.

Doanh nghiệp phải làm gì?

Chủ tịch VCCI cho biết, trước hết phải tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra; Cần nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu;

Muốn ra được thị trường thế giới thì phải đứng vững trên mảnh đất của mình. Hướng ra EU, hướng ra thị trường thế giới mênh mông nhưng đừng quên thị trường “trước nhà”, “trong ngõ” của chính dân mình. Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân trong một nền kinh tế đang cất cánh, sẽ là bệ đỡ, là điểm tựa cho các doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ cho rằng thách thức lớn nhất hiện tại của doanh nghiệp Việt là khả năng hợp tác với nhau để khai thác tốt thị trường. 

"Điểm yếu của doanh nghiệp Việt là không hợp tác được với nhau. Muốn hợp tác với nhau, các doanh nghiệp phải luôn luôn tự cường và liêm khiết. Để làm vậy, đầu tiên phải tôn trọng và cam kết thương hiệu, hàng hoá, giữa các doanh nghiệp với nhau và với bạn hàng. Còn về chính sách nhà nước, tôi kiến nghị nhà nước tập trung vào tài chính ở khu vực đổi mới sáng tạo. Bởi muốn đổi mới sáng tạo mà không có tài chính thì không thể làm được", ông Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh những nỗ lực từ nội tại doanh nghiệp, ông Nam cho rằng để tận dụng hiệu quả hiệp định EVFTA còn cần có sự cải cách và hỗ trợ về chính sách từ Nhà nước. Từ đó ông Nam khuyến nghị cần tạo cơ chế thông thoáng để hút dòng vốn FDI vào Việt Nam để khu vực này tiếp tục góp phần vào xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế (chủ động chọn nhà đầu tư theo ngành, theo lợi thế cạnh tranh lâu dài của Việt Nam). 

Đồng thời pháp luật cần điều chỉnh bổ sung theo hướng nâng quyền sở hữu, nắm giữ, sử dụng và định đoạt tài sản của cá nhân, doanh nghiệp cao hơn. Bởi vì kinh tế thị trường và kinh doanh đòi hỏi sự chắc chắc về quyền sở hữu. Khi làm được vậy, doanh nghiệp, cá nhân có niềm tin vào Nhà nước mạnh mẽ hơn, theo đó họ yên tâm tập trung cho kinh doanh, tích lũy nguồn vốn và tài sản, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế nói chung.

Hiện, Bộ Tài chính đang hoàn tất để trình Chính phủ ban hành nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện EVFTA. Dự kiến tại kỳ họp tháng 5-2020, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua hiệp định này. Trường hợp Quốc hội thông qua vào kỳ họp này, rồi phía Việt Nam và EU thông báo đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong tháng 6-2020, EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.

Đón 'sóng' EVFTA: Vận hội thuộc về những thương hiệu táo bạo nhất!(VietQ.vn) - Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tự tin khẳng định, EVFTA mang lại cơ hội rộng mở chưa từng có cho doanh nghiệp Việt khi xuất hàng sang châu Âu.

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang