EVFTA có hiệu lực: Sẽ xuất hiện làn sóng dịch chuyển ngành da giày từ nước ngoài sang Việt Nam

author 17:45 03/08/2019

(VietQ.vn) - Theo nhận định của Bộ Công Thương, sau khi EVFTA có hiệu lực nhiều khả năng sẽ có làn sóng dịch chuyển sản xuất ngành da giày từ nước ngoài sang Việt Nam.

Trải qua thời gian dài đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Theo Bộ Công Thương, sau khi ký kết, Hiệp định EVFTA cần được phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP) trước khi có hiệu lực.

Doanh nghiệp Việt phải sử dụng các hóa chất có nguồn gốc, có thể truy xuất và có đánh giá tác động để đảm bảo rằng hàng hóa có thể tiếp cận thị trường EU. Ảnh minh họa.

Đặc biệt đối với ngành dệt may và da giày, Hiệp định EVFTA được đánh giá sẽ có tác động tích cực đối với hai ngành hàng này của Việt Nam theo lộ trình cam kết trong Hiệp định.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định EVFTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất. Tuy nhiên, bên cạnh ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đưa ra những điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam khó có thể hưởng được mức ưu đãi thuế quan của EVFTA.

Với ngành da giày, theo nhận định của Bộ Công Thương, sau khi EVFTA có hiệu lực nhiều khả năng sẽ có làn sóng dịch chuyển sản xuất ngành da giày từ nước ngoài sang Việt Nam.

Do đó, các doanh nghiệp da giày Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, nắm chắc quy định, yêu cầu pháp lý của EU để trước tiên tuân thủ đúng quy định của EU và có đủ năng lực, cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ doanh nghiệp tránh bị EU áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngoài các yêu cầu của Hiệp định, các doanh nghiệp dệt may và da giày cần lưu ý ngành hàng này sử dụng nhiều hóa chất và theo Quy định của EU về hóa chất (REACH), các doanh nghiệp phải sử dụng các hóa chất có nguồn gốc, có thể truy xuất và có đánh giá tác động để đảm bảo rằng hàng hóa có thể tiếp cận thị trường EU theo ưu đãi FTA một cách thuận lợi.

Đồng thời, Bộ Công thương cho hay sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường quốc tế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có nhiều hơn nữa cơ hội tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, diễn đàn doanh nghiệp ở thị trường các nước thành viên EU...

EVFTA ‘đánh’ đúng vào điểm yếu của dệt may Việt Nam(VietQ.vn) - Hiệp định EVFTA đã “đánh” đúng vào điểm yếu của dệt may Việt khi yêu cầu về xuất xứ của sợi, vải. Nếu không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ của vải thì không được hưởng thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu vào EU.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang