EVFTA: Nhiều vấn đề cần cải thiện nếu muốn đón 'đại bàng'

author 11:31 15/07/2020

Với các doanh nghiệp, việc Việt Nam ký kết FTA với EU, thị trường có tới 27 nước với dân số có mức chi tiêu cao là cơ hội lớn. Song, vấn đề không nhỏ là liệu môi trường kinh doanh có đáp ứng được các doanh nghiệp EU?

Chỉ còn nửa tháng nữa Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (từ 1/8), theo các chuyên gia đây là một cơ hội rất tích cực và có ý nghĩa như "ánh sáng lạc quan" đối với nền kinh tế 6 tháng cuối năm, đặc biệt trong  bối cảnh khó khăn do tác động xấu từ dịch Covid-19.

Trao đổi với BizLIVE, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, với EVFTA, chúng ta có thể đa dạng hoá thị trường, không phụ thuộc quá nhiều vào một nền kinh tế nhất định nào đó.

Bà Minh nhìn nhận, đối với các doanh nghiệp, việc Việt Nam ký kết FTA với EU - một thị trường gồm 27 quốc gia, dân số có mức chi tiêu cao là cơ hội hết sức tuyệt vời, chắc chắn rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những thuận lợi trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và nhận được sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ cả hai phía Việt Nam và EU.

Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao công tác quản trị chất lượng cao, phù hợp với thông lệ của thế giới, TS. Minh chỉ ra.

"Điều này rất quan trọng, nền quản trị tốt giúp doanh nghiệp có được lợi thế khi gia nhập thị trường EU, buộc họ nâng cao những vấn đề liên quan đến quản trị, coi trọng quyền sở hữu trí tuệ hay những vấn đề cụ thể như nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá để tận dụng tối đa ưu đãi này có thể mang lại", bà Minh nói.

Ngay kể cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, kể cả với thị trường EU cũng có những bất định, như vậy sẽ tác động đến chuỗi giá trị toàn cầu và thậm chí là quan hệ ngoại giao, chính trị. Trong bức tranh này thì EVFTA vẫn là một cơ hội tốt cho Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng được bạn hàng.

"Đây sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp có thể phục hồi được sau đại dịch Covid-19 và là cơ sở thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU phát triển hơn, doanh nghiệp của hai bên làm ăn tốt hơn trong thời gian tới", bà Minh nhấn mạnh.

Còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện

Ngoài EVFTA, theo Viện trưởng CIEM, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) cũng là một cơ hội giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư từ Châu Âu. Vấn đề lớn đặt ra là liệu rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam có đáp ứng được kỳ vọng từ các doanh nghiệp EU hay không lại là điều đáng lưu tâm.

Người đứng đầu CIEM cho biết, để doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là những doanh nghiệp của EU - là những "đại bàng" của thế giới -  tham gia vào thị trường Việt Nam thì Việt Nam phải có môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thuận lợi.

Về thể chế, khuôn khổ pháp lý phải đáp ứng được các tiêu chuẩn trong Hiệp định EVIPA đề ra. Đồng thời, Việt Nam cũng phải đạt được những điều kiện liên quan đến hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như môi trường đầu tư kinh doanh tốt, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài.

"Nếu không có những điều kiện như vậy, chắc chắn rằng nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ cân nhắc việc chọn Việt Nam hay một quốc gia khác để đầu tư", bà Minh nhìn nhận.

Cũng theo Viện trưởng CIEM, trong thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Điển hình như 4 năm vừa qua từ 2016 đến 2019, môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam theo đánh giá của Doing Business đã tăng 12 bậc.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện như: Hoàn thiện thể chế, pháp lý hay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như các nội dung liên quan đến cơ sở hạ tầng để thu hút nhà đầu tư một cách tốt nhất.

Theo DĐĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang