EVN bị "tố" mua điện Trung Quốc cao hơn trong nước

author 19:48 13/07/2012

(VietQ.vn) – Tại hội thảo Phát triển thủy điện nhỏ và kiến nghị từ doanh nghiệp (DN) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, nhiều đại biểu “tố” Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) mua điện của Trung Quốc với giá cao hơn so với mua trong nước.

Theo quy hoạch phát triển điện từ nay đến 2025, lượng công suất đặt tăng thêm chừng 30.000 MW vào năm 2015 và đến 2020, công suất hệ thống cũng phải thêm 50.000-60.000 MW. Như vậy, tổng vốn đầu tư cho ngành điện đến 2020 ước khoảng 50 tỉ USD. Trung bình mỗi năm ngành điện phải bỏ ra khoảng 5-6 tỉ USD cho phát triển nguồn chưa kể phát triển điện lưới.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) mua điện của Trung Quốc với giá cao hơn so với mua trong nước. Đồng thời, các ý kiến cho rằng, khó có giá điện cạnh tranh nếu không xóa độc quyền.

Ông Vũ Ngọc Cừ - phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lào Cai cho biết, vẫn còn nhiều bất hợp lý trong chính sách với thủy điện. Điển hình về giá điện, “EVN đang mua của thủy điện nhỏ chỉ 800-900 đồng/kWh nhưng mua điện từ Trung Quốc tới khoảng 1.300 đồng/kWh, mức chênh lệch này là quá lớn. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét bất hợp lý này”, ông Cừ nói.

Đại diện Tập đoàn Hưng Hải, chủ đầu tư một số nhà máy thủy điện cho rằng, trong khi doanh nghiệp điện trong nước bị chèn ép, EVN lại ưu ái với nhà cung cấp điện Trung Quốc. Cụ thể, theo hợp đồng mua bán điện giữa EVN với phía Trung Quốc, nếu phía VN phát được điện, không may mà thừa công suất, chảy ngược về phía Trung Quốc quá 5% thì phía EVN không những mất lượng điện “biếu không” đó mà còn bị phạt. Do đó, dù năng lực phát điện của doanh nghiệp VN trong năm 2011 khá tốt, nhưng điều độ điện lực một số địa phương (Hà Giang, Lào Cai) vẫn ra lệnh cắt, giảm phát điện vào giờ cao điểm gây bức xúc lớn.

Bức xúc khi cho rằng hiện giá điện bình quân EVN bán đã tăng lên 1.369 đồng/kwh, tăng 57%, ông Hoàng Minh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Tiến nói: Từ năm 2006 tới nay, giá mua điện của EVN tại các nhà máy thủy điện vẫn... dậm chân tại chỗ, với mức trung bình khoảng 650 đồng/kwh. Các nhà máy thủy điện nhỏ đang bị "bắt chẹt" khi phải bán cho EVN với giá rất rẻ. "Mỗi lần đàm phán giá bán điện cho EVN không dưới 3 lần, mà nếu không bán cho EVN thì bán cho ai, vì có mỗi EVN là nhà mua buôn điện duy nhất!", ông Tuấn trần tình…

Ngoài ra, việc Bộ Tài chính đang đánh thuế tài nguyên nước với thủy điện theo giá điện mà EVN bán cho người dân, hiện nay lên tới 1.369 đồng/kWh. “Trong khi chúng tôi bán điện cho EVN là giá bán buôn, trung bình chỉ đạt 866 đồng/kWh” - ông Tuấn nói và cho rằng nếu không sửa, cách tính của Bộ Tài chính sẽ gây khó cho doanh nghiệp.

Còn ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thì nói thẳng, thị trường điện đã bắt đầu thực hiện thị trường bán buôn cạnh tranh nhưng thực tế chưa hề có thị trường cạnh tranh nào. "Thực chất chỉ có mỗi đơn vị thực thi là EVN, một người vừa đóng vai "bán" vừa đóng vai "mua" thì cạnh tranh với ai?" – ông Ngãi đặt câu hỏi.

Ngay như hợp đồng mua bán điện giữa các nhà máy phát điện độc lập và EVN cũng thế, trước đây các nhà đầu tư thủy điện nhỏ muốn có giấy phép thủ tục đầu tư thì buộc phải ... ký đại với mức giá thấp khoảng 400-500 đồng/kwh cũng ký. Nhưng nay khi giá điện bán buôn hiện tại đã lên 800-900 đồng/kwh, giá điện lên cao rồi nhưng giá mua điện của các nhà máy thủy điện nhỏ vẫn chưa được điều chỉnh.

Cũng đồng tình với nhiều đại biểu, ông Đỗ Văn An - Công ty CP Quan hệ quốc tế đầu tư và phát triển nhấn mạnh: "Cần phá bỏ độc quyền ngành điện và cố gắng đến năm 2015 thì làm được điều đó chứ không nên kéo dài tới năm 2020",

Đức Thắng
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang