FDI, hai mươi lăm năm nhìn lại

author 09:15 25/03/2013

(VietQ.vn) – Sau 25 mở cửa, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính lũy kế đến ngày 31/12/2012, Việt Nam đã có 14.522 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 210,5 tỷ USD.

Ngày 27/3, Hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hà Nội với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đại diện các bộ ngành địa phương, doanh nghiệp; giới nghiên cứu trong và ngoài nước…

Sự quan tâm của toàn xã hội đối với hoạt động kinh tế quan trọng này không có gì đáng ngạc nhiên: sau 25 mở cửa, tính lũy kế đến ngày 31/12/2012, Việt Nam đã có 14.522 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 210,5 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất (50,3% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (23,6%), dịch vụ lưu trú ăn uống (5%).

Việt Nam đã có 14.522 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 210,5 tỷ USD.
Việt Nam đã có 14.522 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 210,5 tỷ USD.

Cùng kỳ, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký 28,6 tỷ USD, tiếp theo lần lượt là Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. TPHCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 32,2 tỷ USD, tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương…

Nguồn vốn FDI chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; mỗi năm nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ USD. Riêng năm 2010, khoản tiền nộp ngân sách từ khối doanh nghiệp này là 3,1 tỷ USD, gần bằng cả 5 năm 2001 - 2005 cộng lại (3,5 tỷ USD). FDI còn góp phần quan trọng hình thành nhiều ngành kinh tế quan trọng, một số khu đô thị hiện đại; nhiều lĩnh vực dịch vụ với phương thức kinh doanh hiện đại, công nghệ tiên tiến. Về khía cạnh xã hội, khu vực FDI cũng tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, trong đó có hàng vạn kỹ sư, nhà quản lý trình độ cao, đội ngũ công nhân lành nghề…

Tuy vậy, thực tế đã xuất hiện không ít vấn đề đáng quan tâm. Xu hướng sụt giảm vốn FDI của dự án mới vào Việt Nam trong một vài năm gần đây cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang suy giảm, do chậm cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh so với các quốc gia trong khu vực. Lợi thế về đất đai, tài nguyên phong phú, nguồn nhân công rẻ... cũng đang giảm dần. Để tiếp tục duy trì và thu hút thêm nhiều vốn mới thách thức đặt ra là không nhỏ.

Thêm nữa, không phải dự án FDI nào trong thời gian qua cũng phù hợp với quy hoạch phát triển của cả nước, của các vùng và ngành kinh tế; một số máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu đã được nhập khẩu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... Đặc biệt, câu chuyện “chuyển giá” của một số doanh nghiệp FDI  vẫn là một trong những vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của xã hội...

Rõ ràng, yêu cầu đổi mới đồng bộ về thể chế, luật pháp, công tác quy hoạch, quản lý nhà nước như xúc tiến đầu tư, thẩm định, cấp phép, hướng dẫn, triển khai dự án, theo dõi, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh, cải tiến phân cấp quản lý, thiết lập hệ thống thu thập và xử lý thông tin về FDI… là thực sự bức thiết.

Tuy thế, ngay trước thềm Hội nghị, những thông tin đáng mừng về FDI đã phần nào xóa đi tâm lý bi quan về dòng vốn này sau một thời gian suy giảm, không đạt mục tiêu kế hoạch. Tổng vốn đầu tư FDI cấp mới và tăng thêm trong quý 1-2013 là 6,034 tỷ USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, nếu như 2 tháng đầu năm FDI vẫn rất “nhỏ giọt” thì chỉ chỉ trong vòng 1 tháng (từ 20/2 đến 20/3, đã có tới hơn 5,4 tỷ USD đăng ký mới và cấp thêm).

Cơ cấu vốn đầu tư quý 1 cũng khá tích cực: công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều vốn nhất với 84 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,539 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong quý I. Vốn thực hiện cũng đạt khá: 2,7 tỷ USD, tăng 7,1% với cùng kỳ năm 2012...

Hy vọng “cây FDI” tiếp tục cho trái ngọt.  

Bình An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang