FDI sẽ 'chảy mạnh' vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19

author 06:05 05/06/2020

(VietQ.vn) - Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) những ngày đại dịch dù có xu hướng chững lại, song các chuyên gia nhận định, thời gian tới sẽ có nhiều làn gió mới thổi vào thị trường Việt Nam.

FDI gặp khó trong những ngày dịch bùng phát

Nếu như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là nỗi “ám ảnh” đối với hệ thống tài chính Mỹ, khiến 10 triệu người mất nhà cửa, 9 triệu người mất việc làm, bong bóng nhà ở nổ tung, thị trường chứng khoán “vỡ trận” thì đại dịch Covid-19 đầu thập niên mới còn khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao hơn nhiều.

Ở cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hàng không không bị ngưng hoạt động, biên giới không phải đóng cửa; hoạt động kinh doanh thương mại không bị “đóng băng”… Còn đại dịch lần này, tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng.

Riêng về thu hút kiểu hối và đầu tư nước ngoài, tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. Vấn đề đặt ra là, sau khi dịch bệnh qua đi, cơ hội nào cho Việt Nam tái thiết lại nền kinh tế? 

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 20/4/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Na bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế trên đã được dự tính từ trước, khi dịch bệnh ngày càng lan rộng làm mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ngừng trệ.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, sở dĩ FDI giảm là do hoạt động mua bán, sáp nhập sụt giảm nghiêm trọng, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể, quy mô các dự án mua bán, sáp nhập trên nhỏ hơn hơn trước. Tiếp đến, do thị trường chứng khoán trồi sụt trong mùa dịch, khối ngoại rút tiền, hàng hóa bán trong nước khó khăn nên doanh nghiệp khó có thể đứng vững và phát triển trên sàn. Đồng thời, tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng chững lại. 

 Sản xuất, kinh doanh gặp khó khi dịch bệnh kéo dài

FDI sẽ ‘chảy” vào Việt Nam sau khi dịch được kiểm soát tốt

Dù thực tế nền kinh tế đang bị ảnh hưởng; việc thu hút vốn đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn, song các chuyên gia tin rằng, khi dịch được kiểm soát tốt, FDI sẽ “bùng nổ”.

GS Nguyễn Mại cho rằng, tín hiệu lạc quan sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát. Chưa kể, trên thế giới, nhiều nhà đầu tư lớn đang có xu hướng chuyển nhà máy ra khỏi Trungg Quốc. Đây là tín hiệu đáng mừng cho kinh tế, bởi Việt Nam đang là “đích ngắm” mà không ít nhà đầu tư nước ngoài muốn đến sau đợt dịch này.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sắp có hiệu lực sẽ là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn từ khối này khi mà lâu nay vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam còn khiêm tốn.

Để chủ động thu hút đầu tư nước ngoài, đơn vị xúc tiến đầu tư cần chủ động làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới lại tiến hành thủ tục đầu tư.

Bên cạnh đó, về dài hạn, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới là cần thiết. Để thu hút FDI, ngoài việc phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam cần tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, chủ động trong việc lựa chọn dự án và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiêm khắc trong việc thu hút đầu tư. Các địa phương, cơ quan chức năng cần lên phương án về mục tiêu, vốn đầu tư, phương thức đầu tư của những ngành kinh tế; cũng như tạo lập vững chắc mối liên kết giữa khối nội với khối ngoại từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam một cách bền vững.

Không lơ là với dự án gian lận xuất xứ

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính nhận định, Covid-19 “lộ” rõ sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường, khiến chuỗi sản xuất cung ứng trên toàn cầu đứt gãy, trong đó có Việt Nam.

Với việc phòng, chống, kiểm soát dịch, Việt Nam đang ghi điểm mạnh với nhà đầu tư nước ngoài. Họ thấy được sự đồng lòng của người dân, Chính phủ trong trận chiến chống dịch này. Đồng thời, nhà đầu tư thấy chúng ta có nền kinh tế - chính trị - văn hóa ổn định; có những ký kết hợp tác thương mại tự do đến nhiều thị trường lớn, có bờ biển dài, thuận tiện trong giao thương... Vì vậy, việc chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư sẽ cao hơn các quốc gia khác.

"Thế nhưng, chính vì sự thuận lợi trên mà chúng ta không được lơ là”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói và nhấn mạnh “phải cảnh giác đầu tư đội lốt, mượn xuất xứ để xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tráo xuất xứ”.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang