Fullbright: Đừng nghĩ một quốc gia thì cái gì mạnh cũng tốt, nhất là đồng tiền

author 15:21 28/05/2015

“Về khía cạnh quốc gia, mọi người luôn có tiềm thức cái gì mạnh là tốt, kể cả đồng tiền. Nhưng để cạnh tranh, người ta chỉ muốn một đồng tiền yếu. Đồng tiền yếu sẽ có lợi cho kinh doanh trong nước và cả xuất khẩu”.

Tinh thần dân tộc tổn thương nhưng kinh tế thặng dư nhờ đồng yen Nhật yếu

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố sáng 28/5 cho biết: Trong khi Ngân hàng Nhà nước sử dụng cơ chế neo mềm vào đồng USD, VND đang tăng giá âm thầm làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

TS. Du đã lấy dẫn chứng từ một số câu chuyện thực tiễn.

Tại Nhật Bản: Năm 1949, vấn đề tiền tệ của Nhật Bản được quyết định bởi chính quyền Washington. Năm đó, đồng yen bị chính quyền Washington ấn định tỷ giá 1 USD = 360 yen. Tỷ giá này khiến những người dân mang tinh thần dân tộc của Nhật Bản vô cùng đau khổ, vì khi ấy trong suy nghĩ, tỷ giá yen/USD tối đa chỉ ở mức 150.

Thế nhưng, quyết định ấy trở thành chìa khóa then chốt. Việc ấn định tỷ giá đồng yen trong mấy thập kỷ liên tục đã cải thiện cạnh tranh trong nước, và nhờ đó Nhật Bản trở nên thặng dư.

Tại Indonesia, Malaysia và một số nước Đông Nam Á: Trong khi các nước như Nhật Bản và Đài Loan định hướng xuất khẩu nên định hướng đồng tiền yếu để thúc đẩy cạnh tranh cho quốc gia, thì Indonesia, Malaysia và một số nước Đông Nam Á theo đuổi hướng ngược lại: định hướng nền kinh tế thay thế nhập khẩu và tạo ra đồng tiền định giá cao. Điều này làm cho việc chi tiêu công quá mức, làm lạm phát bất ổn và gây bất ổn vĩ mô.

“Về khía cạnh quốc gia, mọi người luôn quan niệm cái gì mạnh là tốt. Do tiềm thức đó, mọi người nghĩ cái gì cũng phải mạnh, kể cả đồng tiền. Thậm chí có lập luận khi đồng tiền yếu đi, nợ nước ngoài quy ra VND cũng tăng lên. Nhưng đó là quan niệm cực kỳ sai lầm”, TS. Du cho biết.

“Nợ nước ngoài phải trả bằng đồng tiền nước ngoài. Khi đồng tiền yếu, hoạt động xuất khẩu tăng lên, làm hoạt động ngoại thương tốt lên, thu được nhiều ngoại tệ và khả năng trả nợ tốt hơn, chứ không phải đồng tiền mạnh làm khả năng trả nợ tốt hơn”.

Những bất ổn đằng sau tỷ giá

TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR – đưa ra kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu: Cuối năm 2013, VND được định giá cao hơn 7-11% so với mức cân bằng.

“Đáng chú ý, đây cũng là mức lệch tỷ giá cao nhất so với các nước trong khu vực. Ngoại trừ Phillipines, Việt Nam là nước duy nhất có đồng nội tệ được định giá cao trong giai đoạn 2012 – 2013” – TS Thành cho biết.

Với tác động của đồng tiền nội tệ cao, 5 ngành bị tác động tiêu cực là: Nông nghiệp, khai khoáng, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và công nghiệp nặng. Ngược lại, 2 ngành hưởng lợi từ VND cao là ngành công nghiệp chế tạo thâm dụng vốn và ngành dịch vụ.

“Những thay đổi đột ngột trong lượng khách du lịch tới Việt Nam gần đây, nhập siêu đang trở lại nhanh chóng, đều cần được xem xét dưới tác động của chính sách tỷ giá hiện nay”, TS Thành khuyến nghị.

“Cần một lộ trình phù hợp để đạt được mức tỷ giá cạnh tranh hơn cho Việt Nam, tối thiểu tiến về mức tỷ giá cân bằng”.

Theo Trí Thức Trẻ


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang