Gà Hồ 'tiến Vua' danh bất hư truyền

author 13:27 16/02/2015

Gà Hồ đó là nguyên mẫu của tranh dân gian Đông Hồ nức tiếng từ xưa. Không chỉ mang dáng dấp “đạo mạo”, gà Hồ còn là đặc sản tiến vua thuở xa xưa…

Gà Hồ còn thể hiện sự đại cát, sung túc, thịnh vượng và an lành được các nghệ nhân đưa vào dòng tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng.

Giống gà này có những nét đẹp riêng mà tất cả các giống gà khác không có được. Con gà trống chỉ có hai màu lông chính đó là màu lĩnh tức là màu đen và màu mận chín. Một con gà trống được xác định là màu lĩnh hay màu mận chín khi trên người nó mày lông nào chiếm 2/3 thì gọi là màu đó.

Gà Hồ đầu gộc, mào to có màu đỏ hoặc hồng như màu hoa mẫu đơn. Đuôi lớn xeo to như cái nơm, các lông đuôi bằng nhau. Mỗi khi những gà trống cất tiếng gáy, chúng thường xòe bộ đuôi trông oai phong lạ thường. Chân gà Hồ to tròn, vảy chân mịn mày vỏ đỗ nành và không sần sùi như giống gà Đông Cảo ở Hưng Yên. Gà mái ngoài việc có đầy đủ các tiêu chí như gà trống, phải đạt trọng lượng từ 3kg, lông mang màu mã thó (trắng màu đất thó), mã sẻ (màu lông chim sẻ) hoặc mã nhãn (màu quả nhãn chín).

Bởi đây là giống gà được coi là quý hiếm bậc nhất trong thiên hạ và được xem là một trong những sản vật đứng đầu trong năm giống gà Tiến Vua của Việt Nam. Gà Hồ không chỉ đẹp mã mà lại còn có dáng vẻ uy phong, thịt thơm ngon, nên ngày xưa đã được dân làng Lạc Thổ chọn làm phẩm vật để tiến Vua, làm lễ vật dâng Thành Hoàng vào ngày hội làng, cũng là lễ vật đứng đầu trong các ngày lễ tết, giỗ chạp của mọi gia đình để tỏ lòng hiếu đễ với tổ tiên.

Chính vì lẽ đó, gà Hồ còn thể hiện sự đại cát, sung túc, thịnh vượng và an lành được các nghệ nhân đưa vào dòng tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng.

Thịt gà Hồ trắng hồng mà thơm ngon, săn chắc mà giòn và ngọt. Khi luộc chín, lớp da vàng óng đẹp mắt và được mệnh danh là giống gà linh... Khi đặt lên bàn thờ, làm lễ cúng tổ tiên. Vì vậy những người hiểu biết, giới sành chơi chuộng làm quà biếu...nhất là trong những dịp tết đến xuân về.

Gà Hồ trống nuôi làm giống có khi nặng đến 6-7 kg. Trong khi đó, gà mái thường có 3 màu lông: đất thó (trắng, xanh), nhãn chín và màu sẻ, trọng lượng tối đa 4-5 kg.

Thông thường, gà càng to, giá bán càng đắt. Tuy nhiên, không phải ai mang tiền vào giữa làng Lạc Thổ đều mua được gà Hồ làm thịt. Ngoài 1 - 2 tháng áp Tết, khách phương xa tìm về làng cũng rất khó để mua được gà lấy thịt bởi ở làng này, ngày thường mỗi hộ nuôi cũng chỉ sở hữu một, đôi bộ gà Hồ trưởng thành để nhân giống chứ không có gà thịt bán sẵn. Trong thời buổi “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhiều người đã không tiếc công sức, tiền bạc săn lùng những giống gà quý này.

Gà Hồ đã được thuần dưỡng và duy tồn tại làng Lạc Thổ trên 600 năm. Từ xưa và duy nhất ở Việt nam chỉ có gà Hồ mới có hội thi gà to, gà đẹp.

Thể lệ thi từ xưa tới nay cũng đã có những thay đổi. Thời xưa chỉ thi gà trống luộc chín, con nào nặng cân, da gà phải vàng mọng, sạch sẽ, không bị vỡ, nứt và được giàng (tạo tư thế) đẹp thì sẽ đạt giải.

Bây giờ thi cả cặp đôi trống mái, đơn trống và đơn mái (gà còn sống). Ngoài trọng lượng lớn, gà còn phải đẹp về hình thức, độ thuần chủng cao và có tiềm năng sinh sản tốt. Tuy giá trị tiền thưởng không lớn, nhưng tiếng tăm người nuôi gà mới thực sự đáng tự hào. Thời xưa còn truyền lại rằng: gia đình ai, giáp nào (giáp gồm trên dưới 30 hộ) có giải thì năm đó gia đình và giáp đó làm ăn thuận lợi, tấn tới. Hơn nữa sau đó nhiều người các nơi tìm đến mua gà về làm giống.

Hiện nay nhiều người còn nuôi gà Hồ là để sưu tầm giống gà quý và còn để làm cảnh bởicái vẻ đẹp mê hồn của nó. Chả thế mà có một số người được biếu gà Hồ để ăn Tết, thấy đẹp quá quyết định không thịt mà sắm cho chúng một cái chuồng thật đẹp, bày để làm cảnh.

Theo Dân trí


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang