Gà, lợn tăng trọng: Người tiêu dùng ăn chất độc

author 07:37 11/06/2013

(VietQ.vn) – Bơm nước cho heo, nhồi cám cho gà, vịt, nhiều thương lái và lò mổ vì lợi nhuận đã bất chấp những nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Heo bị khớp miệng chuẩn bị “uống nước” tại cơ sở giết mổ. Ảnh: Thanh Niên
Heo bị khớp miệng chuẩn bị “uống nước” tại cơ sở giết mổ. Ảnh: Thanh Niên

Người tiêu dùng bị móc túi

Mới đây, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau tiến hành kiểm tra một số cơ sở giết mổ heo trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện nhiều cơ sở bơm nước vào heo nhằm tăng trọng lượng của thịt heo sau khi giết mổ nhằm trục lợi.

Mánh khóe của các gian thương này là bơm nước trực tiếp vào hệ tiêu hóa của heo cho đến khi căng tròn khiến heo không đứng được phải ngã lăn quay ra sàn.

Ông Cao Mạnh Hùng, Thanh tra viên (Thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau), cho biết, đối với heo có trọng lượng 100 kg, nếu không bơm nước số lượng thịt cho ra sau khi giết mổ khoảng 84 kg, còn khi bơm nước vào thì số lượng thịt sẽ tăng lên hơn 90 kg. Bằng hình thức này, các chủ cơ sở kinh doanh thu lợi từ 400 đến 500.000 đồng/con.

<br>
 
Nhồi cám cho gà, vịt nhằm tăng trọng lượng
Nhồi cám cho gà, vịt nhằm tăng trọng lượng

Bên cạnh việc bơm nước cho heo, tình trạng “nhồi” cám, bánh đúc cho gà, vịt cũng khá phổ biến tại các chợ bán gia cầm đầu mối phía Bắc. Với hình thức nhồi những miếng bánh đúc, cám vào diều gà, vịt với mục đích để chúng tăng cân, mỗi một con gia cầm thương lái có thể bỏ túi mấy chục ngàn đồng tiền lãi.

Theo chị Ngân, một tay buôn gà có tiếng ở chợ gia cầm Hà Vĩ ( Thường Tín, Hà Nội), việc nhồi nhét bánh đúc hết cỡ như vậy, một con gia cầm có thể tăng thêm từ 100 - 300g. Nếu như một con gà trọng lượng 1kg có giá 90.000 đồng thì với lượng bánh đúc nhồi thêm vào là 300g thì đương nhiên những người đi buôn sẽ lãi khoảng 27.000 đồng, mà việc mua thêm 300g bánh đúc chỉ mất vài ba ngàn bạc. Đó còn chưa kể việc họ cân điêu, cân thiếu.

“Với những chiêu trò này gian thương đã móc túi người tiêu dùng một cách trắng trợn, đó là chưa kể đến việc khi heo đã bi bơm nước, gà vịt đã bị nhồi đủ thứ vào diều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thịt như thế nào”, ông Hùng nói.

Chất lượng thịt có đảm bảo?

Trước tình trạng vi phạm ATVSTP ngày càng tăng, Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật và Ban Quản lý các chợ tiến hành kiểm tra và lấy 25 mẫu (gồm 10 mẫu thịt heo, 5 mẫu thịt gà, 10 mẫu rau, củ, quả) để kiểm nghiệm các chỉ tiêu Salbutamol (chất tăng trọng), Salmonella sp (vi sinh) đối với mẫu thịt heo và thịt gà; chỉ tiêu Endosulphan (chất cấm) đối với mẫu rau, củ, quả... nhằm ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Qua kiểm tra có đến 10 mẫu thịt heo không đạt chất lượng, nhiễm vi sinh Salmonella sp.

Thịt heo bị bơm nước có nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng
Thịt heo bị bơm nước có nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng

Ông Đặng Hoàng Hà, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Sở NN-PT-NT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Không cần biết nước bơm vào heo có sạch hay không sạch, nhưng chất lượng thịt sẽ giảm. Thịt của heo bị bơm nước sẽ giảm chất lượng và sẽ sớm bị hư hỏng, hôi thối hơn.

Ngoài ra, để giữ được nước trong heo thì phải làm cho heo mê man trên 1 giờ, nhằm cho nước thấm vào thịt nên chắc chắn trong đó phải có hóa chất. Tuy chưa xác định được cụ thể loại hóa chất nào, nhưng chắc chắn thịt heo bơm nước cũng nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng ít nhiều”.

Theo cơ quan chức năng, việc sử dụng thực phẩm có nhiễm khuẩn sẽ nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm vi sinh vật đối với thịt heo, thịt gà tại cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh thịt cũng đang là điểm nóng về an toàn vệ sinh thực phẩm, khi có tới 10% mẫu thịt heo nhiễm Salmonella và 38,7% số mẫu thịt gà nhiễm Ecoli vượt quá giới hạn cho phép.

Thanh Uyên

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang