Gà nhập lậu trộn lẫn gà nội địa

author 07:32 29/06/2013

Đó là thủ đoạn mới của giới buôn gia cầm nhằm qua mặt cơ quan chức năng và lừa đảo người tiêu dùng. Sáng 28-6, Sở TT-TT phối hợp với Ban chỉ đạo 127/TP Hà Nội tổ chức hội nghị cung cấp thông tin và triển khai kế hoạch thực hiện đề án quốc gia về tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.

 

Sẽ tuyên truyền ngăn chặn gia cầm nhập lậu trên hệ thống loa truyền thanh
 

Theo bà Nguyễn Thị Như Mai- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo 127/TP Hà Nội, tình hình nhập lậu gia cầm đang được kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên, trứng và gia cầm giống nhập lậu lại diễn biến phức tạp. “Gia cầm giống trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu chăn nuôi, giá lại quá cao, trong khi giống gia cầm nhập lậu có giá khá rẻ. Không như gà thịt khó vận chuyển, dễ chết, giống gia cầm và trứng nhỏ, có thể vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện. Mặt khác, giống gà con rất giống nhau, rất khó phân biệt” - bà Nguyễn Thị Như Mai nói. 

Bên cạnh đó, các đối tượng kinh doanh cũng dùng hồ sơ kiểm dịch để vận chuyển gà vào địa bàn Hà Nội một cách hợp pháp, giết mổ gà trước khi đưa vào tiêu thụ gây khó khăn cho việc xác định gà nhập lậu hay gà nội địa. Ông Nguyễn Đắc Lộc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết thêm: “Sự không thống nhất trong khâu niêm phong cũng đang gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong ngăn chặn, kiểm soát gia cầm nhập lậu. Có phương tiện được kẹp chì, có phương tiện chỉ được dán niêm phong bằng giấy. Một số phương tiện vận chuyển gia cầm có Giấy chứng nhận kiểm dịch, có biên bản niêm phong, kẹp chì của Chi cục Thú y, nhưng chỉ niêm phong hoặc kẹp chì đối với cửa sau của thùng xe. Trên các nóc thùng không được phủ bạt, không có niêm phong, chỉ có các thanh sắt ngang, mỗi thanh sắt cách nhau tới 40cm”. Các đối tượng kinh doanh gia cầm có thể lợi dụng kẽ hở này để nhập lậu gia cầm trót lọt. 

Theo Ban chỉ đạo 127/TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 155 vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch; xử lý vi phạm hành chính 279,3 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy hơn 27,5 tấn gà lông; 34 tấn gà sản phẩm gia cầm tươi sống và sản phẩm gà đông lạnh; 216.880 quả trứng gia cầm; 16.000 con gia cầm giống. 

Đích thân tham gia nhiều chuyến kiểm tra đột xuất, kiểm soát gia cầm nhập lậu, bà Nguyễn Thị Như Mai cho hay: “Có những vụ việc, gà lậu đã được làm thịt sẵn, đóng gói 5 con 1 túi và có hóa chất bảo quản. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng bắt giữ và lập biên bản, số gà này phải mang đi tiêu hủy ngay vì mùi thối không thể chịu được. Bên kia biên giới người dân không dùng gà loại thải này, tại sao người dân mình vẫn dùng?”.

Tại Hà Nội, chợ gia cầm Hà Vỹ từng là “điểm nóng” về gia cầm không rõ nguồn gốc nhưng thời gian gần đây, trước sự kiểm tra kiểm soát chặt chẽ của lực lượng liên ngành, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, 100% hộ kinh doanh trong chợ ký cam kết không kinh doanh gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, vẫn có phản ánh cho rằng, người kinh doanh tại chợ Hà Vỹ “lách luật” bằng cách cho biết chợ không còn sức chứa nên chở gia cầm từ xe ô tô về nhà, hôm sau chở vào chợ bằng xe máy. Số gia cầm này rất dễ bị trà trộn gia cầm nhập lậu. Đại diện Ban chỉ đạo 127/TP Hà Nội khẳng định: “Chợ Hà Vỹ chưa bao giờ quá sức chứa để phải dự trữ gia cầm ở trong dân. Chợ nghỉ kinh doanh từ đêm Rằm hàng tháng, trong vòng 1 ngày để vệ sinh, phun thuốc diệt khuẩn, có chăng số gia cầm còn dư lại ở phiên chợ trước chỉ đến vài chục con”! Do vậy, số gia cầm dự trữ trong dân và vào chợ bằng xe máy có khả năng không có nguồn gốc rõ ràng và chưa được kiểm dịch. 

Thời gian tới, Hà Nội sẽ cùng các địa phương khác tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu và kiên quyết xử lý các vi phạm, nhằm bảo vệ người chăn nuôi trong nước cũng như người tiêu dùng, chống thất thu thuế cho nhà nước.

Vân Hằng/ANTD

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang