Gần 1 triệu chai C2, Rồng đỏ nhiễm chì đã đi vào cơ thể người Việt?!

authorDương Phương Ngọc 12:46 03/06/2016

(VietQ.vn) - Có hơn 40.000 thùng thuộc 2 lô nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì mà URC phải thu hồi. Tuy nhiên, theo báo cáo của URC, họ chỉ thu hồi được gần 1.200 thùng.

Chiều ngày 31/5, Công ty TNHH URC Hà Nội - đơn vị sản xuất trà xanh C2, nước tăng lực Rồng đỏ, đã bàn giao toàn bộ lô hàng bị nhiễm chì cho cơ sở xử lý chất thải của Công ty CP đầu tư phát triển công nghiệp và môi trường Việt Nam  (KCN Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên) để tiêu hủy theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, trưởng đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Y tế cho biết: Tổng số sản phẩm đem đi tiêu hủy khoảng hơn 10 tấn (tương đương với khoảng 1.184 thùng C2 và Rồng Đỏ).

Nếu lỡ uống C2, Rồng đỏ nhiễm chì, người dùng cần biết cách tự ‘cứu mình’ như nào?(VietQ.vn) - Theo LS Phạm Công Út, nếu người dùng đã lỡ uống C2, Rồng Đỏ nhiễm chì, họ đành phải tự cứu mình trước khi trời cứu bằng cách đi khám sức khỏe tổng quát.

Được biết, quy trình tiêu hủy lô hàng này được tiến hành gồm các công đoạn như: Sau khi tiếp nhận lô hàng không đạt, bộ phận kỹ thuật của cơ sở xử lý chất thải đã cho sản phẩm vào máy để tách vỏ và nước ra riêng biệt. Đối với vỏ chai sau khi tách riêng sẽ được làm sạch đạt tiêu chuẩn quy định rồi tái chế.

Đối với phần nước sau khi được tách ra khỏi vỏ đã được xử lý tại trạm xử lý nước thải lỏng của cơ sở theo đúng quy định về môi trường hiện hành.

Trên tờ VNE, ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết: Có hơn 40.000 thùng thuộc 2 lô nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì mà nhà sản xuất là Công ty URC phải thu hồi.

Tuy nhiên, theo báo cáo của URC, họ chỉ thu hồi được gần 1.200 thùng, chủ yếu là lô C2 sản xuất vào tháng 2, còn lô Rồng Đỏ sản xuất cuối năm 2015 gần như đã bán hết. 

Như vậy, ước tính số lượng C2, Rồng đỏ nhiễm chì đã được tiêu thụ hết trên thị trường là 38.800 thùng, mỗi thùng có 24 chai, tổng cộng có 931.200 chai C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì vượt mức đã đi vào cơ thể người Việt Nam?!

URC cho biết tổng giá trị sản phẩm C2, Rồng Đỏ đã bán ra là gần 3,9 tỷ đồng và số này không thể thu hồi được. 

 Tổng số sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì đem đi tiêu hủy khoảng hơn 10 tấn. Ảnh: SKĐS.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: Nhiễm độc chì trong thực phẩm rất nguy hiểm.

Bởi “chì là một kim loại nặng thuộc nhóm kim loại độc cần phải lưu tâm. Nếu ăn (hoặc uống) với hàm lượng nhiều sẽ có thể xảy ra nhiễm độc cấp tính hoặc mãn tính tùy thuộc mức độ dung nạp hàm lượng chì vào cơ thể của người dân…

Nếu dùng nhiều và trong thời gian dài dễ gây nguy cơ ngộ độc, nhiều người không ngộ độc cấp tính luôn mà tích tụ thành bệnh về lâu về dài” – ông Hưng nói.

PGS.TS.BS Đỗ Thị Kim Liên hiện đang công tác tại Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên trưởng Khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia cho rằng: Với hàm lượng chì trong C2, Rồng Đỏ như trên có thể sẽ gây ngộ độc cho con người, đặc biệt trẻ em thích sử dụng các loại nước đóng chai.

Vì vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia: Nếu nghi ngờ hoặc lo lắng mình đã uống phải thứ nước chứa chất độc này, người tiêu dùng đành phải… tự cứu mình trước khi trời cứu, bằng cách đi làm các xét nghiệm tổng quát sức khỏe.

Vấn đề đặt ra là người tiêu dùng đã uống C2, Rồng Đỏ nhiễm chì có thể yêu cầu nhà sản xuất bồi thường thiệt hại hay không.

 Gần 1 triệu chai C2, Rồng đỏ nhiễm chì đã đi vào cơ thể người Việt?! Ảnh: P.Ngọc

Trả lời vấn đề này trên Chất lượng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thẳng thắn: Theo các quy định hiện hành của pháp luật, người tiêu dùng có quyền được bồi thường theo khoản 6, điều 8 và  có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản 7, điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Người tiêu dùng có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo khoản d, điều 9 và được bồi thường thiệt hại theo quy định do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra, theo khoản đ, điều 9, Luật An toàn thực phẩm.

Về nguyên tắc là vậy nhưng trên thực tế, ông Hùng cũng nhấn mạnh: Rất khó khăn để xác định từng cá nhân sử dụng phải sản phẩm này do người tiêu dùng mua nhỏ lẽ, đã uống hết, vứt bỏ vỏ, chai lọ thì không thể nhớ được mình đã từng uống sản phẩm thuộc lô này hay không. Do vậy, rất khó để bồi thường cá nhân trong những tình huống như thế này.

Vì thế, ông Hùng đề xuất nên thành lập một quỹ để dành riêng cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, như kiểm tra phát hiện thực phẩm bẩn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng quan điểm, LS Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) cũng đưa ra ý kiến: Người tiêu dùng có thể kiện công ty URC về việc C2, Rồng đỏ nhiễm chì nhưng việc chứng minh thiệt hại là rất khó khăn bởi bệnh tật của con người do nhiều nguyên nhân, khó chứng minh được các căn bệnh cụ thể do C2 gây ra hay do những thứ khác...

Mới đây, URC đã bị Bộ Y tế phạt gần 6 tỷ đồng do kinh doanh nước giải khát C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ nhiễm chì cùng một số vi phạm khác.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang