Gần 100 chiếc loa thùng, micro đã qua sử dụng có dấu hiệu nhập lậu bị 'tóm'

author 06:12 28/04/2019

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng Quảng Ninh vừa phát hiện và tạm giữ 26 chiếc loa thùng các loại, 70 chiếc micro có dây, tất cả đều là hàng đã qua sử dụng và có dấu hiệu nhập lậu.

Mới đây, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Tổ Kiểm soát cơ động thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh) đã phát hiện một người đàn ông khoảng gần 40 tuổi đang tập kết các thùng carton và bao tải chứa hàng hóa nghi vấn chứa hàng lậu tại Khu Hồng Hà, phường Ninh Dương, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Ảnh: ĐVCC. 

Tiến hành kiểm tra, Tổ Kiểm soát cơ động phát hiện, tạm giữ 26 chiếc loa thùng các loại, 70 chiếc micro có dây, tất cả đều là hàng đã qua sử dụng. Tại thời điểm kiểm tra, người đàn ông tập kết hàng lậu không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Hiện, vụ việc đang được tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Đi sâu vào vấn đề buôn lậu đồ điện tử nói trên khiến độc giả đặt ra câu hỏi rằng: Nếu vận chuyển 'trót lọt' thì hàng lậu sẽ tiếp tục đi theo con đường nào và điểm dừng tiêu thụ là ở đâu?

Trả lời cho câu hỏi này, trước đó, báo Tuổi trẻ đã từng phản ánh về việc nhiều cửa hàng điện máy “phù phép” đồ điện tử như tivi, loa thùng, ampli... giá rẻ thành sản phẩm của Sony, Samsung, Panasoic...Sau đó, gắn logo, tung thông tin hàng hiệu giảm giá.

Cụ thể, một trưởng phòng kỹ thuật trung tâm điện máy tại TP.HCM cho rằng tình trạng “lên đời” hàng điện tử cũ để bán lại với giá thấp hơn nhiều so với hàng chính hãng rất dễ thực hiện. Các đơn vị làm giả thu gom tivi cũ của các thương hiệu để sửa chữa, sau đó gắn mác các dòng tivi đang bán chạy để dễ dàng tiêu thụ. Người tiêu dùng không rành kỹ thuật, kiểu dáng các đời sản phẩm sẽ rất dễ bị lừa vì giá rẻ.

Theo đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, khá nhiều người tiêu dùng mua phải hàng điện tử kém chất lượng, hết hạn bảo hành chính hãng thông qua kênh bán hàng tại nhà.

Phương thức lôi kéo khách hàng chủ yếu đánh vào tâm lý ham rẻ, mua hàng trả góp thông qua việc phát tờ rơi tại nhà. Để tạo uy tín, những người này in tờ rơi, phiếu bảo hành giả mạo, mượn danh các trung tâm điện máy, các hãng điện tử nổi tiếng. Có những trường hợp mua sản phẩm chính hãng nhưng đã hết hạn bảo hành của hãng.

Do đó khi tìm đến hãng sản xuất, người tiêu dùng không được bảo hành mà phải tìm đến người bán để yêu cầu bảo hành. Tuy nhiên, các cửa hàng làm ăn bát nháo luôn đùn đẩy trách nhiệm bảo hành, quy lỗi trách nhiệm cho người sử dụng và yêu cầu sửa chữa tính phí.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo để tránh thiệt thòi, người tiêu dùng nên mua sắm ở những trung tâm điện máy có uy tín, yêu cầu đơn vị bán cung cấp giấy bảo hành chính hãng chứ không chỉ phiếu bảo hành của đơn vị phân phối.

Ngoài ra, người tiêu dùng nên cập nhật cho bản thân những thông tin cần thiết về cách nhận biết hàng thật, hàng giả cũng như tem mác chính hãng, tránh 'tiền mất tật mang".

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với nhiệm vụ tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; năng suất; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhãn hàng hóa; mã số, mã vạch; đánh giá sự phù hợp; thông báo và hỏi đáp quốc gia; giải thưởng chất lượng quốc gia sau khi được phê duyệt hoặc ban hành chính là địa điểm tin cậy nhất giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức và tránh những 'cú lừa' không đáng có về những vấn đề trên.

Tivi, loa thùng... hàng hiệu dỏmNhiều cửa hàng điện máy “phù phép” đồ điện tử như tivi, loa thùng, ampli... giá rẻ thành sản phẩm của Sony, Samsung, Panasoic...Sau đó, gắn logo, tung thông tin hàng hiệu giảm giá.

Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang