Gắn logistics với phát triển sản xuất hàng hóa tại Việt Nam

author 14:08 10/11/2018

(VietQ.vn) - Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa... là nhu cầu cấp bách đặt ra tại Việt Nam hiện nay.

Logistics - ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thế của nền kinh tế quốc dân

Chia sẻ tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động logistics", ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ở các nước, logistics là ngành có sự phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động giao lưu thương mại. 

"Thực tế cho thấy, phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải… cũng đang là nhu cầu đặt ra rất cấp bách đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, nước ta cũng được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics”, ông Hải nói.

 Ông Hải khẳng định phát triển logistics là nhu cầu cấp bách đối với Việt Nam. Ảnh: congthuong

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Tuân, Giảng viên Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải cho biết, hiện nay ở nước ta có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động về logistics, chiếm gần 21% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng trung bình 14 – 16%/năm.

Mặc dù vậy, ông Tuân cũng chỉ ra, thị trường logistics vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, bất cập. Thực tế có nhiều DN tham gia vào hoạt động này nhưng cơ bản vẫn thực hiện theo phương thức nhỏ lẻ, thiếu tính kết nối, nguồn nhân lực không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, thiếu chuyên nghiệp...

“Các DN logistics mới chỉ cung cấp một số dịch vụ như dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho... Đa số DN trong lĩnh vực có quy mô nhỏ và vừa nên hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, tư duy quản trị kém, vốn và công nghệ còn yếu”, ông Tuân phân tích.

Ứng dụng CNTT trong phát triển logistics

Bàn về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành logistics tại Việt Nam, các chuyên gia khẳng định, cần có sự đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cũng như tận dụng những cơ hội của cuộc CMCN 4.0, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trong hoạt động logistics của Việt Nam:

- Nâng cao nhận thức về vai trò của CNTT: Giải pháp thâm nhập của internet cùng với thiết bị di động, tạo điều kiện cho doanh thu trực tuyến sẽ tăng gấp đôi đến năm 2020, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, dịch vụ theo yêu cầu, giá cả trọn gói và sự đơn giản khi mua sắm, vận chuyển mọi lúc, mọi nơi; Giải pháp bán hàng đa kênh (Omni channel), theo đó, tất cả các kênh bán hàng đều được huy động và kết nối chặt chẽ với nhau trên cùng một nền tảng.

- Thu hút đầu tư vào hạ tầng CNTT: Cải thiện và xây dựng mới hệ thống EDI (chuyển giao, số hóa, tăng bảo mật...); Đầu tư phần mềm mới cho hoạt động logistics (RFID, Barcode, đám mây logistics...); Thu hút đầu tư vào hạ tầng CNTT theo hình thức xã hội hóa.

- Nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nhân lực CNTT.

- Đề xuất cơ chế, chính sách với cơ quan quản lý trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động logistics: Phát triển CNTT; Thủ tục hải quan; Đầu tư nghiên cứu & phát triển ứng dụng CNTT; Hợp tác quốc tế; Phát triển hoạt động của các Hiệp hội ngành.

Lật tẩy chiêu lập lờ trong ghi nhãn hàng hóa(VietQ.vn) - Không ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt cho hàng nhập khẩu, ghi sai nhãn, ghi nhãn không đúng quy định, lập lờ trong cách ghi nhãn... là những sai phạm chủ yếu về nhãn sản phẩm được cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua.

Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang