Cẩn trọng với bánh kẹo Trung Quốc lậu tràn vào Việt Nam dịp Tết nguyên đán

author 06:58 28/01/2016

(VietQ.vn) - Chỉ còn gần nửa tháng nữa đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, cũng là thời điểm các mặt hàng bánh kẹo lậu Trung Quốc tràn vào Việt Nam.

Điển hình là vụ việc cuối tháng 12/2015 vừa qua, cơ quan chức năng Hà Nội đã bắt vụ vận chuyển 2 tấn bánh kẹo Trung Quốc và ômai Trung Quốc lậu đang trên đường vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ.

Bánh kẹo Trung Quốc lậu

Bánh kẹo Trung Quốc lậu bị bắt giữ ồ ạt dịp gần Tết Nguyên đán

Cụ thể, khi cơ quan chức năng phát hiện chiếc xe khách mang biển kiểm soát 15C-174.77 có nhiều biểu hiện nghi vấn về vận chuyển hàng lậu đã yêu cầu kiểm tra hành chính. Lái xe Đào Việt Cường, sinh năm 1973, trú tại Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng.

Tại cơ quan chức năng, Đào Việt Cường đã khai nhận, toàn bộ số bánh kẹo và ô mai trên đều do Trung Quốc sản xuất và đối tượng chỉ được thuê vận chuyển từ Hải Phòng về Hà Nội cho một số chủ hàng để tiêu thụ trong dịp tết.

Đặc biệt, càng về gần Tết, số lượng bánh kẹo lậu Trung Quốc tràn vào Việt Nam càng lớn. Trước đó, cũng cuối tháng 12/2016, cơ quan chức năng Hà Nội cũng phát hiện tại điểm đỗ xe trên đường Pháp Vân, quận Hoàng Mai (Hà Nội) khoảng 800kg kẹo và ômai do Trung Quốc sản xuất nhưng không có giấy tờ hợp lệ.

Theo cơ quan chức năng, các sản phẩm nhập lậu đều có bao bì bắt mắt, được in bao bì bằng tiếng Việt và quảng cáo là hàng Công ty chất lượng cao nhưng thực tế thì không có bất cứ giấy tờ nào để chứng nhận tính hợp lệ trên.

Theo đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C49, Bộ Công an), sức ép lớn nhất trong năm 2015, đặc biệt là trong dịp đầu năm 2016, sát Tết Nguyên đán Bính Thân là quản lý thực phẩm nhập khẩu trái phép.

Theo đó, khó khăn nhất là kiểm soát thực phẩm, bánh kẹo thẩm lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam và thứ 2 là hình thức gian lận thương mại mới xuất hiện.

Ở hình thức gian lận thương mại, các doanh nghiệp kê khai một vài chủng loại nhưng nhập nhiều chủng loại, chủ yếu là thực phẩm chức năng, bánh kẹo, mỹ phẩm, hoa quả. Hàng gian lận không loại trừ độn cả loại kém chất lượng. Nho, táo, mứt có thể gắn mác Nhật, Châu Âu nhưng không phải 100% đảm bảo chất lượng như trong hồ sơ công bố. Họ mượn hồ sơ nhập khẩu để tiêu thụ hàng có phẩm cấp thấp hơn, ông Trần Trọng Bình cho hay.

Thông thường bánh kẹo được làm từ các loại nguyên liệu không có chất độc hại như gạo, sắn, đường, phẩm màu trong danh mục cho phép. Tuy nhiên, để có giá rẻ, có thể người làm chọn những loại đường hóa học, tinh bột sắn thay thế. Theo GS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, người tiêu dùng không nên mua thực phẩm không nhãn mác vì không thể biết họ chế biến từ nguyên liệu, phụ gia gì. Thực tế, người mua hàng giá rẻ thường ở nông thôn hoặc trẻ em, họ không có nhiều thông tin nên nếu mua phải sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc sản phẩm lậu không được kiểm soát chất lượng sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ độc hại cho sức khỏe.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang