Gánh cháo lòng trứ danh 'hút hồn' người Tp. Hồ Chí Minh

authorTrần Thanh 09:43 15/10/2017

(VietQ.vn) - Gánh cháo lòng đặc biệt đã tồn tại 80 năm ở lòng Tp.HCM tạo nên cái riêng biệt giữa cuộc sống hối hả nhộn nhịp ở Trung tâm TP.HCM.

Đến đường Cô Giang (quận 1, TP.HCM) hỏi gánh cháo bà Út không ai không biết. Chẳng phải bởi “thương hiệu” ấy đã nổi tiếng gần xa, mà dường như từ già trẻ lớn bé, nam thanh nữ tú nơi đây đều đã đôi lần để cái hương vị ngọt ngào của tô cháo lòng thấm đẫm vào đầu lưỡi. 

Đơn giản, gánh cháo ấy đã đi qua suốt một quãng dường dài, chứng kiến bao cuộc đổi dời của vùng đất TP.HCM. Gánh cháo lớn gấp đôi tuổi đời của người bán hiện tại, chị Lê Thị Hồng Ngọc (40 tuổi).

80 năm thăng trầm, gánh cháo lòng dồi chiên trứ danh đường Cô Giang vẫn hút hồn người Sài Gòn - Ảnh 1.

Gánh cháo bà Út trứ danh đất TP.HCM

Chia sẻ với báo Vietnamnet, bà Út kể 60 năm trước bà tiếp quản gánh cháo lòng của mẹ và bán chung quanh khu vực đường Cô Giang, cầu Ông Lãnh, Q.1. Sau bà, anh bà và cô cháu gái tên Chín cũng tiếp tục với gánh cháo gia truyền.

Bà kể thêm lúc trước bà gánh hàng cháo đi vòng quanh, sau năm 1975 mới ngồi bán cố định. Bà Út nhớ lại lúc trước mỗi ngày bà bán nhiều hơn bây giờ khi có khá nhiều món, nhiều quán bán cháo lòng mọc lên quanh khu này.

80 năm thăng trầm, gánh cháo lòng dồi chiên trứ danh đường Cô Giang vẫn hút hồn người Sài Gòn - Ảnh 4.

Bà Út những ngày còn khoẻ, có thể ra bán cháo (Ảnh:Trí thức trẻ)

Hiện tại cháu gái của bà Út là người bán chính nhưng bà vẫn ra ngồi phụ vì nhớ nghề và cả nhớ khách

Mỗi sáng quán cháo huyết của bà bắt đầu bán từ lúc 6 giờ đến khoảng 11 giờ trưa thì hết. Cháo lòng ở đây so với những quán cháo khác trông khá đặc biệt từ màu sắc đến hương vị. Cháo có màu xỉn hơi ngả đen nhờ được nấu cùng huyết tươi được pha chế và luộc theo công thức gia truyền. Gạo tẻ sau khi được rang vàng mới được nấu chín nhừ, sánh đặc. Nước ngọt của cháo lòng cũng do huyết tươi tạo ra. Huyết vì được pha và luộc tại nhà nên đạt được độ mềm, dai vừa đủ chứ không như huyết luộc sẵn bán ngoài chợ.

Món cháo lòng hấp dẫn người ăn bởi hương vị đặc trưng (Ảnh: Sài Gòn ẩm thực)

 Để có nồi cháo nghi ngút khói vào sáng sớm, bà phải dậy từ 2 giờ sáng luộc lòng, nấu cháo, làm dồi… 

Quán cháo lòng lề đường hơn 80 năm tuổi, nấu bằng thau ở Sài GònLòng, dồi của quán này có tiếng là ngon, sạch, ăn là nhớ mãi

Bà cho biết trên báo Thanh niên, cháo lòng hơn 80 năm tuổi vẫn giữ được cách nấu truyền thống mà người TP.HCM hay nấu món này đó là dùng hai chiếc thau nhôm úp ngược và hàn chúng lại để thành chiếc nồi. Theo bà, cách đó giúp cháo giữ nhiệt và hương vị tốt hơn nấu bằng nồi thông thường. Cháo lòng bà Út được nấu với xương ống và lòng khá ngon, đặc biệt có dồi và nước mắm chấm do quán tự làm rất đặc trưng. Ngoài gan, huyết, lòng non, dồi, dạ dày… mỗi phần cháo còn có một miếng xương sườn.  
 
Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, những thực khách nhỏ nhắn ngày nào nay lớn tuổi, thành đạt, nhiều người trong số đó định cư nước ngoài. Nhưng mỗi lần về nước, họ lại tìm đến gánh cháo ngày nào, ăn rồi đặt trước rất nhiều dồi để mang theo khi trở lại trời xa. 

Bấy nhiêu đó cũng đủ để hiểu gánh cháo lòng tại đường Cô Giang mang ý nghĩa thế nào với người TP.HCM.

Để gầy dựng nên thứ tình cảm ấy, có chăng chính là tấm lòng của người bán ấp ủ trong mỗi nồi cháo suốt mấy chục năm qua. 

Tất cả công đoạn và những thành phẩm bán ra đều làm bằng tay. Họ thà chọn cực bản thân chứ nhất quyết không để thực khách ăn đồ không đảm bảo chất lượng.

Trải qua biến động của thời gian, gánh cháo lòng vẫn giữ được những nét truyền thống trong lòng người dân Sài Thành. 

Trần Thanh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang