Ganh đua, lãng phí làm Tết cổ truyền mất vui

author 11:27 22/01/2014

(VietQ.vn) - Xung quanh vấn đề làm sao để người dân đón một cái Tết cổ truyền vui vẻ, tiết kiệm, kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại, nhà nghiên cứu văn hóa PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng tùy vào điều kiện kinh tế mà mỗi gia đình có thể đón Tết nhiều ít khác nhau, cần tránh tư tưởng đua đòi, ganh đua, lãng phí.

Tết cổ truyền của người Việt là dịp để người thân, gia đình, bạn bè quây quần, sum họp, là dịp để nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc cật lực, bận rộn. Tuy nhiên, trong nhịp sống hối hả và bận rộn hiện nay, Tết đối với nhiều người đã trở nên kém vui, thậm chí trở thành gánh nặng bởi dịp này thường “ngốn” một khoản tiền, kèm theo đó còn là nỗi lo “đi” sếp, quan hệ đối nội đối ngoại.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Ngọc Trung

Trao đổi về vấn đề này, ông Trung cho rằng dưới thời bao cấp, quả thực cái Tết là gánh nặng còn như hiện nay sau gần 30 năm đổi mới đời sống của người dân trong nước đã cao hơn trước rất nhiều, thu nhập cao, cơ chế, chính sách của Đảng, Chính phủ cũng mở rộng, rất thông thoáng để cho người dân tự do vui xuân đón Tết. “Trước đây, người ta chuẩn bị cho Tết trong vòng vài ba tháng nhưng giờ đây, khâu chuẩn bị có thể chỉ diễn ra trong vòng 1 tuần, thậm chí 2- 3 ngày là đã hoàn tất. Cho nên nói gánh nặng Tết thực ra cũng không thực sự hợp lý”, ông chia sẻ.

Theo ông, việc suy nghĩ, tính toán quá mức khiến cái Tết trở nên nặng nề đó là do mỗi người tự tạo ra: “Tiền bạc thì nhà có nhiều, nhà có ít, một số trường hợp hãn hữu gặp khó khăn kinh tế trong dịp Tết thì cũng được hội phụ nữ, mặt trận, cựu chiến binh ở các địa phương, các tổ chức từ thiện họ giúp đỡ về tiền, hàng đón tết,… Do đó, chỉ cần người dân không đua đòi, không làm cái gì quá mức, đón Tết với tâm trạng tự tin, tùy theo hoàn cảnh để chủ động chi tiêu thì Tết không thể trở thành gánh nặng”.

Xét về góc độ kinh tế, Tết chính là cơ hội để kích cầu trong năm. Ví như việc đi lại nhiều sẽ kích cầu cho giao thông vận tải, người dân mua sắm nhiều hàng hóa thực phẩm, quần áo, nhà cửa họ tu sửa nhiều…. tất cả những việc đó nó làm cho kinh tế phát triển lên. Tuy nhiên, về góc độ văn hóa thì cần phải giải thích để cho người dân “liệu cơm gắp mắm”. “Mình có nhiều thì mình đón Tết nhiều, có ít thì đón Tết ít. Hiện nay, có hiện tượng một số nhà hoàn cảnh kinh tế không phải là dư giả lắm, đời sống mới chỉ ở mức tạm ổn nhưng lại cứ muốn ăn Tết to bằng nhà hàng xóm chẳng hạn…, chính tư tưởng đua đòi, ganh đua ấy mới tạo ra sức ép khiến Tết thành gánh nặng và mất vui”.

Tết là dịp vui nếu mọi người không ganh đua, lãng phí (ảnh minh họa)

Thông thường, trong dịp Tết, các hội làng được tổ chức sẽ là nơi  hội tụ nhân dân làng xã, thể hiện tinh thần đoàn kết. Các cuộc thi, trò chơi trong hội sẽ rèn luyện tinh thần yêu nước, tinh thần thượng võ, tinh thần cố kết cộng đồng, các kỹ năng như là trồng lúa, săn bắn, dệt vải, giã gạo,… tùy theo từng vùng. “Đây là nét văn hóa đẹp dịp Tết song điều đó không có nghĩa là các lễ hội tổ chức tràn lan, thôn nào xã nào cũng tổ chức lễ hội, nhiều nơi không có truyền thống mà vẫn cố tình tổ chức để dân tứ xứ đến mua bán kiếm lời mất đi cái tính chất lễ hội, nét đẹp văn hóa”, ông nhấn mạnh.

Mỗi gia đình có thể đón Tết với cách khác nhau, song quan trọng là các cơ quan quản lý cần phải tuyên truyền giáo dục cho người dân để họ hiểu đúng về ý nghĩa và tính chất của Tết, có cách ứng xử hài hòa, không chạy theo tâm lý đám đông, thiên về hình thức.

Bàn luận thêm về việc có nên gộp Tết ta và Tết tây, ông Trung cho rằng cần có sự tính toán kỹ và đưa ra một lộ trình hợp lý để phù hợp với tình hình đất nước. Ông chia sẻ: “Công nghiệp nước ta chưa thực sự phát triển, sự chuyển biến từ nông dân thành công nhân hay từ nông nghiệp thành phi nông nghiệp chưa triệt để. Rõ ràng là sáp nhập hay từ bỏ Tết  âm lịch thì sẽ khiến nhiều người dân băn khoăn. Mặt khác, nếu chính sách là gộp lại nhưng nhân dân cứ duy trì cái Tết âm lịch của họ thì sao? Họ vẫn mổ gà, mổ lợn đón tết, vẫn thực hiện nghi lễ cúng và vẫn tiêu pha, mua sắm…. như thế sẽ tạo ra sự phiền hà. Còn nếu như công nghiệp mình phát triển, tuyệt đối quá bán, khoảng 70% và chuyển biến thành công nhân thực sự, thành phi nông nghiệp thực sự và xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mình được khẳng định một cách rõ nét hơn nữa thì chúng ta chuyển. Lúc đó có thể là tạm được, chứ ngay bây giờ mà đề ra lộ trình trong vòng 5 năm hay 10 năm thì theo tôi nghĩ cái đó là hơi khiên cưỡng, khó đạt được thành công”.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang