Gạo lứt đỏ không thể chữa bệnh

author 07:20 22/04/2014

(VietQ.vn) - “Gạo lứt đỏ chỉ là sản phẩm hỗ trợ, giảm nguy cơ, phòng ngừa bệnh tật. Không thể nói là dùng để chữa bệnh, hiểu như thế là xuyên tạc, bóp méo” – PGS. TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Chức năng Việt Nam khẳng định.

 Trước thông tin nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán đưa ra lời quảng cáo hấp dẫn về công dụng của gạo lứt đỏ chữa ung thư, các bệnh về tim mạch, tiểu đường khiến người tiêu dùng ngộ nhận, PGS. TS Trần Đáng đã có cuộc chia sẻ cởi mở với PV để làm rõ bản chất của vấn đề.

Ông cho biết, gạo lứt đỏ là loại gạo được xát bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám, lớp phôi, nội nhũ bên trong. Nhờ vậy, hạt gạo chứa nhiều chất xơ và có nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng, có ích cho cơ thể.

Cụ thể, gạo lứt đỏ có ít chất mỡ, tỷ lệ đạm cao hơn gạo bình thường (khoảng 8g/100g gạo), lượng Cacbonhydrat ở mức cao nhất (77,28g/100g),, lượng đường thấp (0,85g/100g). Hàm lượng các vitamin (B1, B2, B3, B5, B6) tương đối cao, trong đó vitamin B1 đạt 0,4mg/100g (đáp ứng 31% nhu cầu cơ thể mỗi ngày),  B2 đạt 0,09g/100g, B3 đạt 5,09mg/100g…Hàm lượng chất khoáng, chất chống oxi hóa trong gạo lứt phong phú hơn… Tuy nhiên, những hàm lượng này không đáp ứng được bao nhiêu nhu cầu của cơ thể, ví dụ can xi đáp ứng 2% nhu cầu cơ thể, Fe đáp ứng được 21%, Mg đáp ứng 39%...

Ông Đáng kết luận, gạo lứt đỏ có 4 tác dụng với con người: Hỗ trợ bệnh tim mạch, Hỗ trợ, làm giảm nguy cơ đái tháo đường, Cải thiện chức năng tiêu hóa và Hỗ trợ giảm cân. “Nói gạo lứt đỏ chữa được bệnh là sai, nhất là nói chữa các bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch là phản khoa học, không chính xác. Tôi khẳng định đây là sản phẩm chỉ mang tính hỗ trợ, giảm nguy cơ, phòng ngừa bệnh tật, không có tác dụng chữa bệnh”, ông nói.

Ngoài ra, ông còn cho biết gạo lứt đỏ là sản phẩm tốt nhưng dùng thường xuyên thì lại có nguy cơ gây hại cho cơ thể vì không đáp ứng được yêu cầu về dinh dưỡng, thể lực.

Theo ông, những người đang mắc chứng béo phì, thừa cân, người cao tuổi nên sử dụng gạo lứt, sẽ rất tốt cho cơ thể nhưng không được ăn hàng ngày. Chế độ duy trì ở mức mỗi ngày ăn 1 bữa, 1 tuần ăn khoảng 2 – 3 ngày. Tuyệt đối không cho trẻ em ăn gạo lứt thay cơm và ăn hàng ngày vì như thế trẻ sẽ bị thiếu chất trầm trọng, trí lực, thể lực sẽ bị hạn chế. Do đó, gạo lứt không thể thay thế cho các loại thực phẩm khác.

 

Khổng Chiêm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang