Gạo Việt "thoát" Trung: Không cần hai Tổng công ty Nhà nước!

author 09:45 13/08/2014

Hãy chuyển đổi triệt để hai Tổng Cty lương thực thành công ty đại chúng, nếu các công ty này chưa đủ tầm quản lý thì chia nhỏ ra để cạnh tranh.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại đề xuất như vậy khi bàn về việc ngành xuất khẩu lúa gạo tìm cách thoát Trung, tiếp cận các thị trường khó tính hơn.

Kinh doanh lương thực không cần Nhà nước

Trước thông tin Trung Quốc chính thức cấm nhập khẩu gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch và Mỹ xem xét khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với gạo Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nam trấn an: "Không có gì phải hốt hoảng".

Theo ông, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ không nhiều nên không ảnh hưởng lớn đến tới thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc thiếu gạo nên vẫn phải nhập, kể cả gạo chất lượng thấp. Đó là chưa kể việc xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch không thể kiểm soát được, ẩn chứa nhiều rủi ro, trốn thuế, gian lận, nhiều nhà kinh doanh đã bị lừa đảo dẫn đến sạt nghiệp.

Cần chuyển đổi triệt để hai Tổng công ty lương thực thành công ty đại chúng

"Trung Quốc đang thiếu gạo nên bất chấp chất lượng gạo thế nào. Thế nên mới có chuyện gạo IR50404 vốn là loại gạo xấu, xưa nay Nhà nước khuyến khích bà con nông dân không nên trồng, nhưng vừa rồi giá tăng vù vù người dân lại gieo giống ấy. Cái dở là ở chỗ ấy. Trung Quốc đã cần thì gạo gì cũng nhập, họ đẩy giá gạo chất lượng thấp lên cao thành ra dân mình thích trồng vì chi phí thấp.

Chính sự dễ dãi ấy làm hỏng các doanh nghiệp xuất khẩu, nó tạo ra một đường mòn kinh doanh theo lối chộp giật. Bởi thế không nên khuyến khích xuất khẩu tiểu ngạch, nó chỉ có tính chất trước mắt. Muốn làm ăn bền vững thì phải theo chính ngạch để nâng cao chất lượng sản phẩm, thanh toán đàng hoàng, rủi ro thấp".

Trước câu hỏi làm thế nào để lúa gạo Việt Nam tiếp cận được các thị trường khó tính mà vẫn có lãi trong khi đã quen với sự dễ tính của thị trường Trung Quốc nên lười nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Nam cho rằng điều này phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt muốn trở thành nhà buôn chuyên nghiệp phải đi tìm các thị trường ổn định.

"Gần đây Bộ Công thương cho biết đang thúc đẩy xuất gạo sang thị trường châu Phi, Trung Cận Đông. Các nước ở khu vực này đang rất thiếu gạo. Yêu cầu chất lượng gạo của họ cũng đa dạng. Vấn đề là doanh nghiệp phải tìm hiểu rõ ràng xem ai nhập, tiêu thụ ở phân khúc thị trường nào để đáp ứng loại gạo có chất lượng phù hợp".

Hoạt động thương mại của doanh nghiệp cũng chính là yếu tố tiên quyết để Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nếu lệ thuộc vào các hợp đồng chính phủ, bán chính thức kiểu như Philippines, Malaysia... thì ký xong rồi các doanh nghiệp lại về phân chia nhau. Trong khi đó, để có các hợp đồng thương mại không ai có thể thay thế được doanh nghiệp. Nhưng có thể làm tốt khâu này, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ hay thưởng cho những hợp đồng xuất khẩu thị trường mới, giá trị gia tăng cao hơn.

"Chính sách phải đủ độ để doanh nghiệp thấy có lợi thì mới làm. Hiện nay Việt Nam chưa có những chính sách đó, chưa kể thủ tục rườm rà khiến người ta để kiếm được vài ba đồng tiền thưởng cũng quá mệt, chẳng muốn làm.

Đặc biệt, việc xuất khẩu lương thực đang phụ thuộc vào hai Tổng công ty lương thực (1 và 2) mà hai đơn vị này vừa có vị thế độc quyền vừa hành xử theo cơ chế một nửa bao cấp một nửa  thị trường, không tạo ra được động lực cho các doanh nghiệp. Hai Tổng công ty này nắm lượng gạo xuất khẩu rất lớn, các hợp đồng lớn đều do họ ký cả, mỗi năm đã được mấy triệu tấn. Doanh nghiệp nào cũng muốn lấy lòng hai Tổng công ty để lúc cần họ phân cho một ít quota để mà xuất. Vì thế nó tạo ra tư duy chưa có cạnh tranh, chưa xuất hiện doanh nghiệp làm ăn sắc sảo được".

Ông Nam cho biết, đã có nhiều đề xuất xóa bỏ hai Tổng công ty lương thực hoặc chuyển sang công ty cổ phần không có vốn nhà nước để có thể thực sự cạnh tranh, tuy nhiên, Nhà nước vẫn giữ tỉ lệ vốn ở hai Tổng công ty rất lớn.

"Thực ra không cần giải tán Tổng công ty lương thực", ông Nam nói, "chỉ cần chuyển đổi triệt để chúng thành công ty đại chúng không phải do Nhà nước chi phối. Nếu các tổng công ty không đủ tầm quản lý  thì chia nhỏ thành ba, bốn công ty để cạnh tranh. Đó là cách mà các nước đều làm cả. Kinh doanh lương thực không cần Nhà nước. Nhà nước đã có Cục Dự trữ quốc gia rồi, hãy để kinh doanh lương theo thị trường tài chính", ông Nam đề xuất.

Lập nhóm chuyên đề "cứu" thanh long khỏi bị bò ăn

Nông sản Việt Nam đang có vị đắng chát khi người nông dân nhiều tỉnh miền Nam phải nhắm mắt vứt bỏ thanh long bên đường vì bị rớt giá quá, chỉ còn 1.000 đồng/kg, bò ăn không hết. Trong khi thanh long đổ đống bên đường thì nhiều địa phương đồng loạt kêu hụt thu ngân sách. Nhìn nhận vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, lối sản xuất của Việt Nam vẫn là của tiểu thương nhỏ lẻ, làm thật thu nhỏ, thấy cái gì được giá là ào ạt trồng trong khi vai trò Nhà nước rất mờ nhạt.

"Đáng lý ra phải có quy hoạch, khuyến cáo cho người dân. Đằng này địa phương đã trồng có truyền thống thì mở rộng diện tích, địa phương chưa trồng bao giờ cũng trồng theo. Thanh long bây giờ phát triển mạnh ở ĐBSCL chứ không giới hạn ở Nam Trung Bộ như trước nữa. Cái khó của thanh long là tiêu thụ tươi, không để lâu được trong khi khâu xử lý bảo quản sau thu hoạch của chúng ta còn yếu, khiến hàng không bán được là ế luôn, đành phải đổ đống".

Thanh long đổ bỏ đến bò cũng không thèm ăn

Để giải quyết tình trạng này, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng cần kế hoạch hóa theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng: trước sản xuất phải có hợp đồng tiêu thụ, biết được sản xuất ở đâu, ai mua, giá cả thế nào...

Quả thanh long Việt Nam đã từng qua Mỹ nhưng sau đó phải dừng bởi điều kiện phía Mỹ đưa ra rất cao, trong khi doanh nghiệp Việt lại ngại khó, để có được lô hàng đáp ứng được yêu cầu của thị trường này vô cùng vất vả.

"Doanh nghiệp Việt vẫn có lối làm ăn, tư duy kiểu nông dân, dễ làm khó bỏ, làm gì cũng muốn thu hồi ngay, còn đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ cho bài bản vẫn chưa làm được, vậy nên nông sản Việt Nam vẫn bị rủi ro cao", ông Nam nói.

Bộ Khoa học Công nghệ từng đề cập đến chuyện nhập công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Nhật phổ biến cho bà con áp dụng, tuy nhiên theo ông Nam, nếu Nhà nước chỉ làm một khâu thì chưa đủ.

"Phải thúc đẩy cả một chuỗi giá trị cho thông suốt. Có hoa quả thu hoạch rồi, công nghệ bảo quản rồi phải có thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, công nghệ ấy không rẻ chút nào, lại tốn nhiều công sức. Các doanh nghiệp của Việt Nam không chịu đầu tư, có chăng chỉ là mua rồi hốt lên xe mang đi bán kiếm đồng lãi rồi thôi, không nghĩ đến chuyện gắn bó với nghề, chế biến thế nào, tìm khách hàng ổn định để làm ăn lâu dài".

Ông Nam đề xuất, để giải quyết triệt để điệp khúc được mùa rớt giá, phải đổ đống cho trâu bò ăn của quả thanh long, dưa hấu..., Bộ Nông nghiệp cần lập ngay các nhóm chuyên đề, tổ công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đề xuất biện pháp xử lý riêng đối với từng loại cây, con chủ lực. Việc nghiên cứu, khảo sát có thể kéo dài 3-5 năm. Phải lôi kéo các doanh nghiệp lớn vào làm cùng để họ đứng mũi chịu sào, làm động lực thúc đẩy chuỗi giá trị, nghiên cứu khoa học, đưa giống mới vào, làm lợi từ người trồng, chế biến đến thương nhân, cả một chuỗi nhiều người cùng được hưởng.

"Cái này nông dân không làm nổi, còn doanh nghiệp làm mà không có hỗ trợ, làm cho người khác hưởng thì đương nhiên họ chẳng làm, vì thế, nhà nước phải đứng ra tổ chức thực hiện", ông Nam chốt lại.

Theo Đất việt


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang