Gặp gỡ bà mẹ trẻ ‘bỏ phố về quê’ xây dựng thương hiệu riêng làm sống lại những giá trị truyền thống

author 06:14 11/02/2021

(VietQ.vn) - Những năm gần đây, nhiều người trẻ có xu hướng “bỏ phố về quê”. Thế nhưng có những người thành công và cũng không ít người thất bại và lại phải quay trở lại thành phố để bám trụ.

Với  Phạm Thị Nhung (1989 – Ứng Hòa, Hà Nội), chị cũng quyết định “bỏ phố về quê” trong vòng “một nốt nhạc” với hướng đi riêng và xây dựng lên thương hiệu Mộc từ những sản phẩm truyền thống đậm chất quê như các sản phẩm được chính tay chị làm từ bồ kết, hương nhu, vỏ bưởi, cỏ mần trầu, chanh, sả… Và những sản phẩm ấy liên tục “cháy hàng” được đông đảo mọi người đón nhận.

Cùng Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) gặp gỡ bà mẹ trẻ Phạm Thị Nhung với quyết định “bỏ phố về quê” đầy táo bạo.

Pv: Quyết định và thực hiện "bỏ phố về quê" sau hơn 10 năm bám trụ tại thủ đô, đâu là lý do khiến chị quyết định nhanh như vậy?

Chị Phạm Thị Nhung: Đúng là tôi đã quyết định và thực hiện “bỏ phố về quê” chỉ trong vòng 1 tháng nhưng thực ra tôi đã nhen nhóm ý định này kể từ đợt nghỉ dịch COVID – 19 và cách ly toàn quốc lần 1 hồi giữa tháng 4/2020. Trong thời gian đó công ty giao việc cho tôi làm online tại nhà và vẫn trả lương đầy đủ. Khi ấy tôi chợt đặt ra câu hỏi “giữa thời đại 4.0, tại sao tôi lại không chọn làm việc online ở nhà nhỉ”. Khi ở thành phố, tôi phải đi thuê nhà với chi phí đắt đỏ, chưa kể các yếu tố như tắc đường, khói bụi, ô nhiễm không khí, cuộc sống quá vội vã... đều là những lý do khiến tôi muốn tìm cách “trốn chạy” khỏi thành phố.

Và thế là, tôi quyết định chuyển về quê với 2 lý do chính: 

Đầu tiên là do ở thành phố tôi quá bận rộn, ít có thời gian dành cho con. Con gần như luôn trong tình trạng “đi sớm về muộn” so với các bạn. Rồi có nhiều lần con trai hỏi, “sao mẹ lúc nào cũng đón con muộn thế”. Tôi cảm thấy rất day dứt. Con gái năm nay 8 tuổi, việc đón con muộn như thế cũng khiến tôi không yên tâm. Chưa kể vì đi sớm về muộn nên con tan trường mẹ đón về nhà là lại quanh quẩn trong 4 bức tường chật hẹp của căn phòng trọ. Con thiếu không gian sống, chỉ có tivi làm bạn. Gần như ngày Chủ nhật mẹ nghỉ làm thì các con mới được ra bên ngoài để vui chơi. 

Con gái đầu bị khiếm thính bẩm sinh, ban đầu tôi cố gắng bám trụ ở thủ đô vì muốn cho con được theo học trường chuyên biệt, nhưng vì quá bận rộn mà không có nhiều thời gian trò chuyện, dạy con học nên con không có nhiều tiến bộ. Sau khi về nhà được 3 tháng thì thấy con hoạt bát và tích cực nói nhiều hơn. Điều này khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.

Đặc biệt là tôi muốn về quê phát triển thêm mảng handmade để sau này có thể dạy lại cho con gái. Con vốn đã thiệt thòi, nên nếu con có 1 cái nghề thì sau này con có thể sống tốt dựa vào chính mình. Tôi cũng có nguyện vọng trong tương lai khi ổn định mọi thứ có thể mở lớp dạy nghề miễn phí cho các bé có hoàn cảnh giống như con mình. Để làm sao từ đây, các bé không may bị thiệt thòi sẽ tự làm ra những sản phẩm tốt, giá trị trước mắt là tự nuôi sống chính bản thân và sau đó sẽ truyền đi nghị lực và thông điệp để cho cộng đồng những người không may bị thiệt thòi.

Gặp gỡ bà mẹ trẻ ‘bỏ phố về quê’ xây dựng thương hiệu riêng làm sống lại những giá trị truyền thống
 Những nguyên liệu để làm nên sản phẩm handmade của mình đều được chị Nhung chọn lựa kĩ lưỡng.

PV: Để làm ra được những sản phẩm handmade đòi hỏi rất nhiều yếu tố, chị đã học những công thức này từ đâu hay có bí quyết riêng?

Chị Phạm Thị Nhung: Tôi bắt đầu làm mỹ phẩm handmade từ giữa năm 2018, đó cũng là thời gian tôi vào công tác tại tập đoàn dược phẩm Đại Bắc. Phụ trách nội dung cho một số nhãn hàng chuyên về dược mỹ phẩm nên tôi có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về các loại dược mỹ phẩm hiện nay. Và tôi đã tự học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, sau đó rút ra những bài học thực tế từ quá trình thực hành sản xuất. 

Sản phẩm đầu tiên đưa tôi đến với đam mê làm mỹ phẩm handmade đó chính là những thỏi son sáp. Từ những thỏi son chưa hoàn thiện cho đến những mẻ son vừa làm xong đã phải bỏ đi ngay nhưng tôi vẫn không nản chí, mỗi ngày lại tìm hiểu thêm một chút rồi cải tiến, dần dần sản phẩm đã được đón nhận. Khách hàng của tôi ban đầu là bạn bè, các anh chị đồng nghiệp, sau đó mọi người giới thiệu cho nhau, dần có thêm khách lạ ...Rồi khi hoàn thiện một sản phẩm là tôi lại bắt tay vào tìm hiểu về một sản phẩm mới, cứ thế dần dần tôi đã có thể tự làm ra những món đồ handmade từ các nguyên liệu tự nhiên mà không phải sử dụng đến những chất phụ gia hóa học.

Hay như mới đây, khi quyết định “bỏ phố về quê” tôi mới bắt đầu tìm hiểu và thử nghiệm sản phẩm nước cốt gội đầu thảo mộc. Và thật bất ngờ, đây lại là điểm nhấn thu hút khách hàng tìm đến với các sản phẩm handmade của tôi nhiều hơn.

PV: Những hương thơm của kí ức, những giá trị xưa cũ dường như vẫn luôn thôi thúc mọi người tìm về, phải chăng đó là lợi thế để các sản phẩm handmade như dầu gội thảo mộc nấu từ bồ kết, mần trầu, hương nhu... được tin dùng?

Chị Phạm Thị Nhung: Có không ít khách hàng tâm sự với tôi rằng, khi ngửi mùi hương từ chai nước cốt gội đầu của tôi họ nghĩ ngay đến bà của họ. Và tôi tin là vẫn còn rất nhiều người muốn quay về thời thơ ấu trong vòng tay của bà, của mẹ thơm ngát hương bưởi, hương bồ kết... Nếu được lựa chọn, sao mình không chọn những thứ mộc mạc từ tự nhiên để sống xanh, sống khỏe, sống an lành hơn?

Gặp gỡ bà mẹ trẻ ‘bỏ phố về quê’ xây dựng thương hiệu riêng làm sống lại những giá trị truyền thống
 Các nguyên liệu đều được chị Nhung chọn lọc và sơ chế một cách tỉ mỉ.

PV: Các sản phẩm của chị có điều gì khác biệt so với những sản phẩm handmade khác?

Chị Phạm Thị Nhung: Tôi nghĩ rằng để làm ra một sản phẩm handmade thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố như là nguyên liệu, phương pháp và sự khéo léo của mỗi người. Riêng với các sản phẩm handmade mà tôi làm thì điều tôi quan tâm nhất là thành phần của từng sản phẩm sao cho đạt chuẩn “từ thiên nhiên” nhất. Tôi ưu tiên những nguyên liệu dễ tìm, thuần Việt, có ở quanh ta, để không chỉ tôi mà bất cứ ai muốn được tự tay làm ra những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cũng dễ dàng thực hiện. 

Và điều quan trọng hơn cả chính là sự học hỏi, đúc rút kinh nghiệm qua từng sản phẩm. Tôi luôn lắng nghe những góp ý cả khen lẫn chê của mỗi người dùng, để từ đó cải tiến chất lượng theo thời gian. Nhận được những lời động viên, lời cảm ơn của khách hàng sau khi trải nghiệm, tôi lại tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, để đưa lối sống tối giản hoá chất, gần thiên nhiên đến với nhiều người hơn.

PV: Sau khi “bỏ phố về quê" tính đến nay được hơn 3 tháng và chị đã xây dựng một thương hiệu riêng với rất nhiều người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm, chị có nghĩ rằng đây là việc lẽ ra phải thực hiện sớm hơn?

Chị Phạm Thị Nhung: 13 năm ở thành phố, không ít lần tự hỏi, tôi cố gắng bám trụ ở đây làm gì khi luôn trong tâm thế mỏi mệt, day dứt. 

Nhiều khi ngẫm lại, tôi về quê thời điểm này không sớm, không muộn. Tôi vừa đủ kinh nghiệm để biết về quê thì nên làm gì, tôi sẽ được gì. Tôi cũng vừa đủ trải nghiệm để thực hành những gì đã được học hỏi nơi thành phố.

Hơn nữa, trong bối cảnh người tiêu dùng đang có xu hướng tìm về các sản phẩm từ thiên nhiên như hiện nay thì quyết định "bỏ phố về quê" để làm mỹ phẩm handmade của tôi là vừa "đúng người, đúng thời điểm".

PV: Hiện nay nhiều người trẻ cũng có xu hướng "bỏ phố về quê" cá nhân chị thấy sao?

Chị Phạm Thị Nhung: Tôi tin rằng, dù sống ở bất cứ đâu, hay làm bất cứ công việc gì, mục tiêu hướng đến cuối cùng của mỗi người vẫn là sự bình yên. Bình yên trong cuộc sống không có nghĩa là sống nhàn nhạt, bình yên là khoảng lặng để từ đó biết trân trọng hơn những gì ta đang có.

Nhiều người nghĩ rằng bỏ phố về quê sẽ bị tù túng đi, không theo kịp xu hướng xã hội. Tôi thì thấy ở thời đại 4.0 như bây giờ, việc học online, làm online không có gì là khó.

Bạn đang còn trẻ, bạn cứ mạnh dạn làm những điều mà bạn cho là đúng. Vì chẳng ai giống ai, không có tiêu chuẩn hay công thức nào có thể áp dụng cho cuộc sống của bạn cả.

Bạn sống ở phố cũng được, ở quê cũng chẳng sao, miễn bạn tìm được niềm vui trong cuộc sống hằng ngày, được làm việc bằng đam mê, tâm huyết, được nghỉ ngơi, được thư giãn chứ không phải mỗi sáng mở mắt ra lại tự hỏi: "tôi đang ở đây để làm gì?"

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Hoàng Dương (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang