Gặp gỡ tân sinh viên 'học thay cả phần của mẹ'

author 06:09 25/09/2014

(VietQ.vn) – Sống kham khổ, nhịn ăn để tích cóp từng đồng nhưng tân sinh viên Mai Thị Hạnh Nguyên vẫn rạng rỡ kể về những dự định tươi sáng của mình với ước mơ báo chí.

Nhận giấy báo nhập học vào chuyên ngành Báo chí truyền thông của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, cô tân sinh viên Mai Thị Hạnh Nguyên đến từ thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên quyết tâm một mình xuống Hà Nội nhập học để thực hiện lời hứa với cha mẹ nơi chín suối: “Con nhất định sẽ thi đỗ đại học, thành tài để cha mẹ yên lòng”.

Tân sinh viên Mai Thị Hạnh Nguyên - chuyên ngành Báo chí truyền thông trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn

Tân sinh viên Mai Thị Hạnh Nguyên - chuyên ngành Báo chí truyền thông trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn

Chật vật từng ngày với miếng cơm, manh áo

Sớm phải chịu cảnh thiếu thốn tình cảm, năm Hạnh Nguyên lên bốn tuổi thì bố mất, hai mẹ con nương tựa vào nhau để vượt qua nỗi đau. Khó khăn về vật chất cùng với thiếu thốn về tinh thần khiến Nguyên trở nên sống khép kín, lại thêm bạn bè xa lánh, chính điều đó đã thôi thúc Nguyên cố gắng học tập để khẳng định bản thân và trở thành niềm tự hào cho mẹ.

Kể về mẹ, mắt Hạnh Nguyên lại đỏ hoe, giọng run run: “Năm em học lớp 8, mẹ phát hiện căn bệnh ung thư vú, nhưng vì thương em không ai bao bọc nên mẹ không xuống Hà Nội chữa bệnh, chỉ uống thuốc nam ở nhà”.

Nhưng khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, con đường đến trường của cô học trò nghèo Mai Thị Hạnh Nguyên vẫn còn những bước ngoặc chông gai. Khi Nguyên học lớp 11, em bị tai nạn phải nằm viện, cùng lúc đó, căn bệnh ung thư của mẹ tái phát và di căn sang xương, cả hai mẹ con ốm yếu suốt một thời gian dài. Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn đó, Nguyên thở dài: “Em bị ốm, mẹ không có người đỡ dần công việc, lại thêm chăm em nên cũng yếu dần, hai mẹ con nằm viện gần một năm, lúc khỏi bệnh, em một buổi đến trường, một buổi qua viện chăm mẹ”.

Vẫn biết không được học hành nhiều như bạn bè cùng trang lứa, nhưng đó vẫn còn là khoảng thời gian hạnh phúc của Nguyên khi em còn có mẹ bên cạnh động viên tinh thần. Cho đến đầu năm lớp 12, Nguyên tiếp tục đón nhận một cú sốc lớn khi mẹ em không vượt qua được nỗi dằn vặt của bệnh tật mà qua đời. Trước thời điểm bước ngoặt của tương lai, nhưng Nguyên đã từng bỏ cuộc: “Khi mẹ mất, em rơi vào trạng thái bất cần đời, chán nản không muốn học hành và trượt dài trong thất bại”.

Dọn về sống với bác nhưng phần vì gia đình bác cũng còn khó khăn, bác cũng phải chắt chiu cho gia đình riêng của mình nên Nguyên không dám đòi hỏi nhiều. “Sống với bác, em cố gắng lấy lại động lực học tập. Gần cuối năm lớp 12, em đạt giải nhì trong kỳ thi Học sinh giỏi Tỉnh môn Ngữ Văn, đó như bước đệm để em có động lực thi vào ngành Báo chí truyền thông”. Hạnh Nguyên chia sẻ.

Tận dụng cơ hội để bứt phá giấc mơ

Hạnh Nguyên luôn nỗ lực học tập để có thể giành được những suất học bổng cho sinh viên ở trường để có thể trang trải cuộc sống.

Hạnh Nguyên luôn nỗ lực học tập để có thể giành được những suất học bổng cho sinh viên ở trường để có thể trang trải cuộc sống. 

Khăn gói xuống Hà Nội nhập học, căn nhà nhỏ ở thị trấn Chùa Hang, Hạnh Nguyên cho thuê lại với mức tiền 5 triệu đồng/năm cùng với số tiền học bổng em nhận được của quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên sáu tỉnh Việt Bắc, Nguyên đã có một khoản đủ để chi tiêu trong năm đầu đại học. Giọng em trở nên dõng dạc và chan chứa niềm tin: “Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn có nhiều chính sách hỗ trợ cho con em mồ côi như miễn, giảm học phí, hay trợ cấp 100.000 đồng/tháng, em đang làm thủ tục chứng nhận, những khoản hỗ trợ ấy sẽ giúp em đỡ khó khăn hơn trong sinh hoạt chi tiêu”.

Kể về những thay đổi khi trở thành tân sinh viên, Hạnh Nguyên chỉ cười: “Em đã phải tự lo cho bản thân từ năm lớp 12, khi mẹ em mất, em đi làm thêm cho chị họ để có tiền sinh hoạt, nên việc sống tự lập không còn khó khăn. Tuy nhiên, ở đại học, thời gian biểu của em thay đổi nhiều do lịch học không cố định, có những tối học về muộn, em chẳng ăn tối nữa, tranh thủ học bài luôn”.

Có đam mê đặc biệt dành cho báo chí, Hạnh Nguyên luôn cố gắng tìm kiếm các cơ hội để được trở thành cộng tác viên cho các báo, cùng với đó là sự chủ động thay đổi bản thân để trở nên năng động, phù hợp với nghề. Nguyên kể lại: “Trước đây, em khá rụt rè, nhút nhát, hơn nữa hồi học phổ thông, em được các thầy cô chỉ dẫn rõ ràng, còn phương pháp dạy của giảng viên ở đại học khác, bởi vậy khi trở thành sinh viên em phải chủ động nhiều hơn, chủ động tìm hiểu, chủ động phản biện bài giảng của thầy để có thể hiểu rõ hơn về môn học”.

Giờ nghỉ trưa, Nguyên thường ở lại trường, tranh thủ xem lại bì giảng của thầy để nắm bắt kiến thức tốt hơn.

Giờ nghỉ trưa, Nguyên thường ở lại trường, tranh thủ xem lại bì giảng của thầy để nắm bắt kiến thức tốt hơn.

Mong muốn được trải nghiệm với nghề để lấy thêm kinh nghiệm, nhưng Nguyên vẫn không quên nhiệm vụ chính của mình là học thật tốt, em nói với giọng quyết tâm: “Trường em có khá nhiều quỹ học bổng hỗ trợ cho sinh viên, em đang cố gắng học để có cơ hội giảnh được học bổng, cùng với đó là tham gia các câu lạc bộ xung kích, câu lạc bộ Tiếng Anh để nâng cao kỹ năng mềm cho bản thân và có thêm nhiều mối quan hệ”.

Đã từng trải qua nhiều mất mát, khổ đau, đến thời điểm hiện tại cô tân sinh viên chuyên ngành Báo chí truyền thông vẫn luôn cố gắng vượt qua những mặc cảm gia đình để theo đuổi đam mê. Nghĩ về tương lai phía trước, mắt Hạnh Nguyên sáng rực lên: “Em chỉ tâm niệm học làm sao để có được những suất học bổng giá trị mà bươn chải cuộc sống, và sau này ra trường có một công việc ổn định như vậy là em đã phần nào báo hiếu được với cha mẹ nơi chín suối rồi”.

Cao Huyền


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang