Gas "khốn đốn" vì hỗn loạn thật - giả

author 13:30 17/11/2012

Sau hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, đến nay Việt Nam (VN) đã có gần 100 Cty kinh doanh gas trong nước và vốn nước ngoài, trong đó hơn một nửa đã đăng ký nhãn hiệu bình gas. Nhưng với những thủ đoạn tinh vi, gas lậu đang giết chết gas thật.

Theo báo cáo của Hiệp hội Gas VN, sản lượng gas tiêu thụ trên thị trường năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng trên 10%. Hệ thống các cửa hàng, đại lý liên tục được mở rộng, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp phát triển. Mặc dù các Cty đều có các quy định về thành lập đại lý nhưng dường như các đại lý đủ tiêu chuẩn là rất ít. Đó cũng là lý do mà gas giả đang dần chiếm sân gas thật.

Thực trạng đáng buồn

Ông Trần Trọng Hữu - Phó Tổng Thư ký kiêm Chủ tịch chi hội Gas miền Bắc cho biết, mặc dù đã được các cơ quan chức năng chú trọng quản lý, đặc biệt từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 107/2009/ NĐ- CP nhằm thắt chặt quản lý đối với hoạt động kinh doanh gas, nhưng thực trạng hoạt động kinh doanh gas hiện nay vẫn rất lộn xộn. Tình trạng sang chiết lậu trái phép và gian lận thương mại diễn ra hết sức phức tạp. Có tới 40% bình gas trên thị trường là bình gas trôi nổi của các hãng có tiếng trong và ngoài nước.

Theo ông Hữu cho biết, thủ đoạn của các cơ sở sang chiết lậu gas của tư nhân thường là mua lại vỏ bình trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc hoặc chiếm dụng vỏ bình của các DN gas có uy tín mang về cắt quai xách, sơn hoặc mài chữ và logo nhằm đánh lừa khách hàng, kiếm lời bất chính. Các cửa hàng, đại lý kinh doanh gas không tuân theo đúng các quy định về kinh doanh như: không có biển quảng cáo, không có cửa thoát hiểm, bán chung với các hàng hóa khác, không đủ các dụng cụ cứu hỏa cần thiết.

Với những thủ đoạn tinh vi, gas lậu đang giết chết gas thật.
Với những thủ đoạn tinh vi, gas lậu đang giết chết gas thật

Bà Lương Thị Sinh - TGĐ Cty TNHH MTV Gas Venus cho biết: Vì đầu tư vỏ bình giá vỏ cao - khoảng 520.000đ/ vỏ, mà giá thành vỏ trên thị trường chỉ khoảng 170.000đ/ vỏ, chính vì lẽ đó bất chấp những qui định về quản lý trong lĩnh vực kinh doanh LPG nhiều Cty vẫn cắt tai bình, thay chân đế, mài lô - gô, thay đổi nhãn hiệu, số sêri, trao đổi van đầu chai.

Theo bà Sinh, không những các DN kinh doanh LPG sang chiết gas trái phép, để có lợi nhuận cao các đại lý vẫn sang chiết thủ công vào các chai bình của các hãng có thương hiệu như: Petrolimex, Shell gas, Total gas, Petro gas nhằm hưởng lợi cao.

Thiệt hại ai chịu?

Ngoài thủ đoạn sang chiết bình gas vào bình của các Cty có thương hiệu, nhiều đại lý còn ngang nhiên sang chiêt gas từ bình 12 kg sang bình gas du lịch nhằm thu lợi cao bất chấp nguy cơ cháy nổ. Khi tiếp nhận gas từ đại lý, mỗi bình 12 kg thường được cơ sở kinh doanh mở niêm phong và chiết bớt sang bình mini, mỗi lần chiết từ 3 đến 5 bình.

Các vụ vi phạm thương hiệu, cung cấp gas không đủ số lượng và chất lượng diễn ra phổ biến làm mất lòng tin người tiêu dùng.

Theo quy định, việc sang chiết gas chỉ được thực hiện ở những trạm có điều kiện như bình đo áp suất, hệ thống phòng chống cháy nổ đảm bảo yêu cầu... Còn việc sang chiết ở các cơ sở kinh doanh trái phép được thực hiện bằng dụng cụ tự chế như thiết bị đấu nối dây dẫn, đặt các bình nhỏ vào khay đá khiến khí gas co lại, thay đổi áp suất khiến gas từ bình to tự động chuyển vào bình nhỏ. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho khách hàng mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Ông Phạm Ngọc Thư - Trưởng phòng kinh doanh Gas Petrolimex - đơn vị đang chiếm 20% thị phần gas tại VN cho biết: Gas Petrolimex hàng năm đều chịu tổn thất về mất sản lượng, mất chi phí ước chừng khoảng 30% sản lượng. Ngoài ra còn bị nhốt vỏ bình, thậm chí mất vỏ bình (đối tượng xấu chiếm dụng chiết nạp lậu, nhái thương hiệu gas Petrolimex) cạnh tranh không lành mạnh. Với con số 1,3 triệu vỏ bình mà bị giam, mất vỏ đến 30% thì con số thiệt hại là nhiều tỉ đồng. Nhưng cái DN mất nhiều hơn cả vấn đề kinh tế, đó chính là ảnh hưởng về thương hiệu: khách hàng sẽ hiểu lầm về chính danh chất lượng sản phẩm, chính danh thương hiệu.

Vậy đâu là những nguyên nhân chính mà thị trường Gas đã có lịch sử 20 năm tại VN lại đang khó sống, hỗn loạn đến nỗi các đơn vị gas nổi tiếng nước ngoài cũng phải lần lượt ra đi. Phải chăng là chế tài của chúng ta chưa đủ, phải chăng luật của ta chưa nghiêm. Hay cán bộ kiểm tra xử lý chưa nghiêm. Hay độ vênh giữa luật và thực tế đang diễn ra có một khoảng cách khó lấp đầy. Cần có một lời giải đáp từ phía các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ giúp các cty kinh doanh khí hóa lỏng yên tâm sản xuất, đồng thời làm cho thị trường minh bạch và "sạch sẽ" hơn.

Cách phân biệt bình gas thật, giả

Thông thường với một vỏ bình đúng tiêu chuẩn sẽ có chữ khắc nổi của thương hiệu trên vỏ. Bên trong có chữ xác nhận, thân bình gas được dập bằng khuôn thép. Sau đó vỏ được đem đi kiểm định cũng như thử áp lực... rồi mới có thể chứa gas bán ra thị trường. Với một bình gas giả, chữ nổi phía trên vỏ bình gas của hãng ga chính hãng sẽ được dập cho mất đi, thậm chí đốt, tháo van, thay đế, rồi hàn lại... để xóa mọi dấu vết của vỏ bình gas chính hãng, thay vào đó là tên của đơn vị khác.

Trên tay xách của mỗi bình gas, tùy Cty, có ghi trọng lượng vỏ bình từ 12,5kg - 13,5kg. Đối với loại bình gas phổ biến 12kg, tổng trọng lượng cả vỏ bình và gas bên trong sẽ là 24,5kg - 25,5 kg. Do vậy, khi mua gas người tiêu dùng yêu cầu nhân viên đưa gas cân bình gas, lấy tổng trọng lượng bình gas trừ đi trọng lượng vỏ ghi ở tay xách sẽ biết số gas có trong bình.

Theo các Cty gas có thương hiệu, khi mua gas cần biết địa chỉ đại lý, cửa hàng gas, không nên chỉ gọi qua điện thoại; khi tiếp cận các tờ rơi quảng cáo, cần cảnh giác hỏi kỹ địa chỉ vì phần lớn chỉ in số điện thoại không dây hoặc di động; khi thấy khả nghi phải yêu cầu xem giấy tờ, thẻ của nhân viên đưa gas và kiểm chứng số điện thoại đường dây nóng của đại lý gas.

Theo DDDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang