Gây ô nhiễm môi trường có thể bị truy cứu hình sự

author 09:46 18/07/2012

(VietQ.vn) - “Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép” là hành vi bị cấm.

Hỏi:  Gia đình tôi ở gần xưởng sản xuất của một doanh nghiệp hoạt động suốt ngày đêm và cơ sở này thường xuyên xả bụi khói, phát tán mùi hôi thối ô nhiễm rất nghiêm trọng ra khu dân cư, khiến người dân nơi tôi sinh sống không thể chịu đựng được và mắc bệnh tật. Chúng tôi có thể tố cáo không, việc xử lý đối với hành vi làm ô nhiễm môi trường được quy định như thế nào?

Trần Lâm Thiện (Bình Định) 

Trả lời: Theo quy định tại khoản 6, Điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, thì hành vi “thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép” là bị cấm. 
 
Theo quy định tại điều 11, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi thải mùi hôi thối, mùi khó chịu vào môi trường. Đối với hành vi thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải thì bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng tùy theo lưu lượng khí thải. Nếu thải khí, bụi có ít nhất một thông số ô nhiễm nguy hại vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải thì bị xử phạt tăng thêm. Trường hợp thải khí, bụi có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phép thì bị phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. 
 
Nhà máy gây ô nhiễm môi trường sẽ bị đình chỉ hoạt động sản xuất
Nhà máy gây ô nhiễm môi trường sẽ bị đình chỉ hoạt động sản xuất
 
Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các trường hợp vi phạm quy định tại điểm g khoản 5, điểm e và điểm g khoản 6, 7 và khoản 8 Điều 11 của Nghị định số 117/2009/NĐ-CP và phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các hành vi vi phạm nêu trên.
 
Ngoài ra, theo quy định tại các Điều 182, 182a, 182b Bộ luật hình sự 1999 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2009) thì tùy từng trường hợp, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường còn có thể bị truy cứu hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại, tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường. Tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi, người phạm tội có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù với mức cao nhất lên đến 10 năm. 
 
Theo khoản 2, Điều 128, Luật bảo vệ môi trường, “công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường”. Về thủ tục, theo quy định tại Điều 65, Luật khiếu nại tố cáo, bạn phải gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo. Trường hợp của mình, bạn có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến thanh tra bảo vệ môi trường cấp tỉnh hoặc cơ quan điều tra công an cấp huyện, nơi công ty có hành vi vi phạm pháp luật để được giải quyết. 
 
Luật sư Phạm Phùng Trọng Nghĩa
Công ty Luật hợp danh FDVN
(193 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng,
ĐT: 05113. 890 568, www.fdvn.vn)
 
(Mọi thắc mắc của bạn đọc cả nước có thể gửi về Email: [email protected] hoặc liên hệ trực tiếp qua đường dây nóng: 0904.065.256 & 0913.96.57.58 để được hỗ trợ)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang