GDP năm 2012 tăng không như kỳ vọng

author 17:02 24/12/2012

(VietQ.vn) - Tổng cục Thống kê chiều nay (24/12) vừa công bố kết quả về tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2012. Con số đáng quan tâm là tổng sản phẩm trong nước (GDP) không như kỳ vọng và chỉ tăng 5,03% so với 2011.

Trước đó, Tổng cục Thống kê kỳ vọng, GDP cả năm sẽ vào khoảng 5,2 - 5,3%. Tuy nhiên, con số công bố vào chiều nay 24/12, GDP cả nước năm 2012 theo giá so sánh năm 1994 ước tính tăng 5,03% so với 2011.

Trong xu hướng tăng đó, quý I GDP tăng 4,64%, quý II tăng 4,80%, quý III tăng 5,05%, quý IV tăng 5,44%. Đóng góp vào mức tăng 5,03% nói trên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, dịch vụ tăng 6,42%.

Tổng cục Thống kê chính thức công bố GDP năm 2012 đạt 5,03%. Ảnh: N. Nam
Tổng cục Thống kê chính thức công bố GDP năm 2012 đạt 5,03%. Ảnh: N. Nam

Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2012 theo giá so sánh năm 1994 ước tính tăng 3,4% so với năm 2011. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,8%; lâm nghiệp tăng 6,4%; thủy sản tăng 4,5%.

Sản xuất công nghiệp 12 tháng của năm 2012 tăng 4,8% so với năm 2011. Trong con số đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,3%; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,4%.

Điều đặc biệt, tính đến 1/12/2012, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trước. Các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất xe có động cơ tăng 76,6%; sản xuất dây, cáp điện tăng 56,8%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 42,1%; may trang phục tăng 41,5%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 40,8%; sản xuất xi măng tăng 30,6%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 28,6%.

Các ngành có mức tồn kho thấp là chế biến sữa, hàng may sẵn, sản xuất giày dép, sản xuất sợi, bê tông, cấu kiện kim loại, thiết bị dẫn điện, điện tử dân dụng, sản xuất đường...

So với năm 2011, GDP năm nay đã giảm tới 0,86 điểm phần trăm. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng như vậy là hợp lý.

Tồn kho hàng công nghiệp đứng hàng đầu. Ảnh: Minh họa
Tồn kho hàng công nghiệp đứng hàng đầu. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tính từ khoảng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng này chỉ cao hơn năm 1999 và 2009, tương ứng là 4,77% và 5,01%. Đây là hai năm nền kinh tế phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới do tác động các cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á (1997) và toàn cầu (2008).

Cùng trong điều kiện suy giảm của tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn thế giới, nhưng nước bạn Lào vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (8,3%) và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á năm 2012.

Thái Lan cũng cũng đã đạt được đà hồi phục tăng trưởng 2012 "đáng nể" sau khi suy giảm xuống mức thấp năm 2011.

Việt Nam cùng với Campuchia và Indonesia có tốc độ tăng GDP năm 2012 thấp hơn so với con số tương ứng năm 2011, nhưng mức giảm tăng trưởng ở Việt Nam là sâu nhất và là nước duy nhất trong nhóm suy giảm tốc độ tăng trưởng trong 3 năm liên tiếp kể từ năm 2010 đến nay.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 5,8% của năm 2011, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mức tăng như vậy là hợp lý và thể hiện xu hướng cải thiện qua từng quý, khẳng định tính kịp thời, đúng đắn và hiệu quả của các biện pháp và giải pháp thực hiện của TW Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang