GDP toàn cầu dự báo sụt giảm 3% trong năm 2020

author 13:37 17/04/2020

(VietQ.vn) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 3% trong năm 2020. Như vậy, suy thoái năm 2020 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa lên tiếng cảnh báo rằng, nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào cuộc suy thoái sâu nhất kể từ Đại khủng hoảng thời thập niên 1930 do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. IMF nhấn mạnh, chính quyền các quốc gia trên toàn cầu cần phối hợp chống dịch Covid-19. Trong cuộc chiến chung này, nếu thế giới thiếu sự phối hợp đồng bộ, suy thoái toàn cầu có thể kéo dài tới năm 2021.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vừa được đưa ra, IMF cũng dự báo GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 3% trong năm 2020. Như vậy, suy thoái năm 2020 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Mới hồi tháng 1, IMF dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm nay.

"Cuộc đại phong tỏa sẽ kéo tụt tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi một phần trong năm 2021, nhưng tăng trưởng GDP ở mức thấp hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh. Và viễn cảnh tồi tệ hơn hoàn toàn có thể xảy ra”, IMF nhận định.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tại Mỹ, Quốc hội và Tổng thống Donald Trump đã thông qua gói kích thích hơn 2.000 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chống dịch Covid-19. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng chi hàng nghìn tỷ USD nữa để ổn định hệ thống tài chính. 

Tuy nhiên, IMF dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm 5,9% trong năm nay. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1946 của kinh tế Mỹ, nhưng có thể vẫn thấp hơn so với tốc độ lao dốc của một số nền kinh tế châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể sẽ tăng lên 10,4% trong năm 2020 và 9,1% trong 2021.

Rome, thành phố trung tâm của Italy trở nên vắng vẻ trong thời điểm dịch Covid-19 đang căng thẳng. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nơi đầu tiên dịch Covid-19 bùng phát sẽ giảm từ 6,1% năm 2019 xuống 1,2%, thấp nhất kể từ năm 1976.

IMF cũng dự báo GDP Đức sẽ sụt giảm tăng trưởng tới 7% trong năm 2020. Nền kinh tế Canada và Anh cũng sẽ sụt giảm lần lượt 6,2% và 6,5%. Trong khi đó, GDP Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng sẽ giảm 5,3% dù nước này cố gắng tránh áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế đi lại, sinh hoạt và làm việc. Tại Tây Ban Nha và Italy, hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 tại châu Âu nhiều khả năng sẽ chứng kiến GDP lao dốc lần lượt 8% và 9,1% trong năm nay.

Dự báo của IMF còn cho thấy, thế giới đang trong giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ. Những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh khiến hàng trăm triệu người mất việc làm, hàng chục triệu doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản.

IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2021 với mức tăng trưởng GDP đạt 5,8% nếu dịch bệnh được đẩy lùi trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo rằng triển vọng tăng trưởng vẫn khá mờ mịt và những biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể kéo dài hơn dự kiến.

"Dịch bệnh có thể kéo dài hơn dự báo. Hơn nữa, những tác động của cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này đối với hoạt động kinh tế và thị trường tài chính có thể sẽ nặng nề và kéo dài hơn, thách thức giới hạn của các ngân hàng trung ương trong việc ổn định hệ thống tài chính và tăng thêm gánh nặng về tài khóa”, IMF cảnh báo.

Theo IMF, cách tốt nhất để giảm bớt tổn thất đối với nền kinh tế thế giới là chính phủ và cơ quan y tế các nước tăng cường hợp tác. “Các quốc gia phải nhanh chóng hợp tác để ngăn dịch lây lan, phát triển vaccine và phương pháp điều trị bệnh”, IMF nhấn mạnh. 

Tổ chức này cũng khuyến nghị các chính phủ chi nhiều hơn cho việc xét nghiệm, tuyển dụng lại nhân viên y tế đã nghỉ hưu và tăng cường mua sắm những thiết bị y tế như máy thở và đồ bảo hộ cá nhân. Các lệnh cấm vận thương mại đối với sản phẩm y tế cần được dỡ bỏ.

IMF cũng cho rằng các chính phủ cần hỗ trợ người lao động quyết liệt hơn. Tại những quốc gia còn xảy ra tình trạng không được hưởng lương khi nghỉ bệnh và nghỉ vì vấn đề gia đình, IMF cho rằng chính phủ các quốc gia đó nên cân nhắc hỗ trợ tài chính để người lao động bị bệnh hoặc người chăm sóc cho họ có thể ở nhà mà không sợ mất việc, thiếu tiền vì dịch bệnh.

Bảo Linh (Theo CNN, The Guardian)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang