Ghép gân phức tạp như thế nào?

author 11:06 10/10/2015

Khác với ghép tim, ghép thận, ghép gan... ghép gân cần phải được xử lý và bảo quản trước khi ghép nên các chuyên gia tại Bộ môn Mô – Phôi, Đại học Y Hà Nội đã tiến hành quy trình này rất cẩn thận.

Ảnh minh họa

Năm 2009, anh Phạm Tuấn Tùng 36 tuổi, quê ở Lạng Sơn, khi thi đấu cầu lông bị ngã chấn thương đầu gối, đứt dây chằng chéo trước của chân trái. Sau đó, năm 2011 anh được phẫu thuật tại một bệnh viện khác bằng kỹ thuật lấy gân tự thân, sức khỏe của anh dần hồi phục. 

Tuy nhiên trong một lần chơi thể thao, chấn thương cũ tái phát. Anh đến bệnh viện Việt Đức Hà Nội để kiểm tra. Bác sĩ cho biết anh bị đứt dây chằng chéo khớp gối và phải phẫu thuật thay thế bằng mảnh gân đồng loại (gân của người khác). Các bác sĩ tại viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành phẫu thuật thay thế dây chằng bị đứt cho anh bằng gân từ người chết não. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe phục hồi tốt, hiện anh đang tập các bài tập phục hồi chức năng để sớm có thể tự đi lại được.

Để có được thành công như vậy, không chỉ là công sức của các bác sĩ phẫu thuật mà còn cả một đội ngũ các nhà khoa học về bảo quản mô tạng phía sau. Mảnh gân của anh Tùng được ghép không phải đơn giản là cắt từ người này cho sang người khác mà để ghép được, mà phải qua một quá trình sàng lọc, diệt khuẩn và bảo quản cẩn thận với chu trình khép kín, được các chuyên gia về bảo quản mô “chăm sóc” từng ngày.

Tại Labo công nghệ mô ghép – thuộc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS TS Ngô Duy Thìn, người đã hơn mười năm nghiên cứu qui trình bảo quản các loại mô giới thiệu cho chúng tôi về công nghệ nuôi và bảo quản gân người. Labo này cũng là nơi nuôi dưỡng nhiều mảnh xương sọ người cho các bệnh nhân mổ sọ não.

Những tiếng máy chạy tít tít phát ra từ những tủ bảo quản mô ở nhiệt độ -80 độ C. PGS Thìn cho biết nhờ công nghệ này mà đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân chấn thương khớp gối do đứt dây chằng đã khỏe mạnh mà không phải lấy gân của chính mình. Nhiều vận động viên thể thao, trong đó có cả vận động viên quốc gia đã trở lại thi đấu sau khi được ghép gân.

Trước đây, chưa có trung tâm bảo quản mô, không có ghép gân các bệnh nhân bị chấn thương khớp gối thường không thể phục hồi. Trong khi đó, nhu cầu ghép gân rất lớn. Các bác sĩ có thể cắt đoạn gân khác thay thế những vùng gân quan trọng hơn nhưng vẫn không khả thi. Vì thế, các bác sĩ, nhà nghiên cứu của Bộ môn phôi trường đại học Y Hà Nội đã phối hợp với các bác sĩ Viện chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức nghiên cứu về ghép gân cho người từ nguồn gân hiến tặng.

PGS Thìn cho biết những ngày đầu, các bác sĩ đã nghiên cứu thử nghiệm ghép cho thỏ và đã thành công nên tiến hành ghép trên người. Quy trình thu nhận, xử lý, bảo quản mô rất chặt chẽ, đặc biệt là khâu sàng lọc người cho. Theo đó, người cho không bị các bệnh HIV, viêm gan, giang mai và các bệnh theo thông tư 2012 của Bộ Y tế. 

Người cho cũng không được quá 60 tuổi. Mô gân cho phải không dập nát, không nhiễm khuẩn, khi cắt ra không để quá 6 giờ nếu để trong phòng lạnh. Sau khi mô gân được lấy, các bác sĩ sẽ tiến hành xử lý, tiệt trùng bằng chiếu tia gamma, cho vào tủ bảo quản ở nhiệt độ -80 độ C. 

PGS Thìn cho biết nhu cầu ghép gân rất lớn tuy nhiên nguồn gân hiến tặng rất ít so với các nước trên thế giới và các nước trong khu vực mặc dù đã có Luật hiến, ghép mô tạng của Quốc hội và thông tư hướng dẫn của Bộ y tế từ nhiều năm nay. Theo ông đây cũng là khó khăn lớn nhất của ngành ghép mô, tạng nước ta. 

Vừa qua Bộ y tế đã đứng ra tổ chức để thành lập Hội vận động hiến mô, tạng nhằm tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc hiến mô, tạng và hy vọng nguồn mô, tạng hiến sắp tới sẽ nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu ghép mô, tạng cho các bệnh nhân đang chờ đợi.
Theo Infonet
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang