Ghép thành công tế bào gốc từ máu dây rốn 'người khác'

author 20:17 14/04/2015

(VietQ.vn) - Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lần đầu tiên thực hiện ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (từ nguồn tế bào gốc không cùng huyết thống) cho bệnh nhân Hoàng Thị Thùy L bị ung thư máu.

Từ năm 2006, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã triển khai phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu và đến cuối năm 2014, Viện đã thực hiện được 150 ca ghép, bao gồm ghép tế bào gốc tự thân và ghép tế bào gốc đồng loại từ người cho cùng huyết thống.

Tuy nhiên, ngày 30/12/2014, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã lần đầu tiên thực hiện ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (từ nguồn TBG không cùng huyết thống) cho bệnh nhân Hoàng Thị Thùy L, 28 tuổi.

Ghép thành công tế bào gốc từ máu dây rốn 'người khác'

Khối tế bào gốc máu dây rốn được lấy ra từ bình ni tơ lỏng ở nhiệt độ âm sâu

Đây là một bệnh nhân mắc bệnh Lơ-xê-mi cấp thể M5a (ung thư máu) nên phương pháp điều trị tối ưu nhất với người bệnh là thực hiện ghép tế bào gốc đồng loại. Ghép tế bào gốc đồng loại là phương pháp truyền tế bào gốc tạo máu từ người cho phù hợp về HLA (người cho chủ yếu là cùng huyết thống). Em trai của bệnh nhân đã sẵn sàng hiến tế bào gốc cho chị gái, nhưng giữa hai chị em lại không phù hợp về HLA.

Tất cả hy vọng của bệnh nhân trông chờ vào việc tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp trong Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Trung tâm Tế bào gốc đã tiến hành đọ chéo kết quả HLA (độ hòa hợp giữa người cho và người nhận) của bệnh nhân với các mẫu tế bào gốc được lưu trữ trong Ngân hàng, kết quả đã tìm được 6 mẫu hòa hợp. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã quyết định tiến hành ghép tế bào gốc và miễn phí hoàn toàn chi phí của mẫu tế bào gốc máu dây rốn cho bệnh nhân L.

Trước khi tiến hành ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn không cùng huyết thống đầu tiên, Viện đã chuẩn bị sẵn sàng trước những khó khăn có thể xảy ra như: Đây là bệnh nhân ung thư máu thuộc nhóm tiên lượng xấu; Bất đồng nhóm máu dễ gây chậm mọc mảnh ghép; Thời gian mọc mảnh ghép kéo dài nên nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết cao…

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng trong suốt gần 3 tháng, Ban Lãnh đạo Viện và toàn thể cán bộ nhân viên ở các khoa phòng có liên quan luôn quyết tâm cao độ, theo dõi sát sao diễn biến của bệnh nhân, liên tục trao đổi với các chuyên gia quốc tế trong quá trình ghép để lựa chọn phương pháp ghép, phương pháp điều trị trong và sau ghép thích hợp nhất cho người bệnh. Bên cạnh đó, các khoa/phòng trong Viện đã phối hợp chặt chẽ từ việc: Cung cấp thuốc đầy đủ, đúng tiến độ; Cung cấp chế phẩm máu, đảm bảo truyền máu an toàn, kịp thời; Các khoa xét nghiệm theo dõi diễn biến của bệnh nhân chính xác, chặt chẽ từng ngày… 

Ghép thành công tế bào gốc từ máu dây rốn 'người khác'

và bắt đầu truyền vào người bệnh

Cùng với sự quyết tâm điều trị của bệnh nhân và gia đình, sự động viên tinh thần từ phía các bác sỹ, điều dưỡng, ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng đầu tiên đã thành công. Đến nay, bệnh nhân đã trở lại với các hoạt động bình thường và không cần truyền máu, các chỉ số xét nghiệm đều thể hiện mảnh ghép từ tế bào gốc máu dây rốn đã mọc ổn định.

Với bệnh nhân Hoàng Thị Thùy L, nếu trước đây chưa có Ngân hàng Tế bào gốc cộng đồng thì cơ hội được Ghép Tế bào gốc gần như không có. Sau bệnh nhân này, Viện đã thực hiện ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng cho bệnh nhân thứ 2 và nhiều bệnh nhân khác sẽ được tiếp tục ghép từ nguồn tế bào gốc của ngân hàng. Có thể khẳng định, Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đã mở ra cánh cửa tưởng chừng như đã khép lại với rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu được thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại.

Trà Phương

 


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang