Giá bán hàng ở siêu thị cao hơn 10%

author 08:18 29/05/2013

(VietQ.vn) – Về giá bán khách quan mà đánh giá thì giá bán hàng ở siêu thị đa phần đều cao hơn ở bên ngoài 2- 5%, có khi lên tới 7- 10%. Mức giá này cao do yếu tố chủ quan là công tác tổ chức nguồn hàng chưa tốt" ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị TP. Hà Nội khẳng định.

Khác với các kênh bán hàng truyền thống trước đây như chợ, cửa hàng lẻ, hàng rong, siêu thị là một kênh thương mại đảm bảo hàng hóa phong phú, giá cả niêm yết chất lượng hàng hóa đảm bảo, có địa chỉ xuất xứ rõ ràng, thanh toán có hóa đơn chứng từ, thuận lợi khi có trường hợp khiếu nại về giá cả và chất lượng hàng hóa của khách hàng.

 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị TP. Hà Nội cho biết, siêu thị có nhiều ưu điểm như vậy nhưng vẫn tồn tại một vài khiếm khuyết. Cụ thể, vẫn có khách hàng phàn nàn về chất lượng, giá cả, hàng hóa bán trong siêu thị, thái độ phục vụ hàng ngày mà siêu thị cần phải khắc phục để góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng tốt hơn. Đồng thời, điều đó cũng giúp bảo vệ thương hiệu của các siêu thị trong giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay giữa các loại hình siêu thị và các kênh bán hàng truyền thống.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chủ yếu ở hai mặt giá cả hàng hóa và chất lượng hàng hóa bán ra

Ông Phú phân tích: “Về giá bán khách quan mà đánh giá thì giá bán hàng ở siêu thị đa phần đều cao hơn ở bên ngoài 2- 5%, có khi lên tới 7- 10%. Mức giá này cao do yếu tố chủ quan là công tác tổ chức nguồn hàng chưa tốt, tuy nhiên có yếu tố khách quan là do phí thuê mặt bằng, đảm bảo hàng hóa, các dịch vụ khác sau bán hàng với chất lượng tốt hơn”.

Theo ông Phú, muốn có một mức giá hợp lý, cạnh tranh để phục vụ người tiêu dùng, các siêu thị cần chú ý một số điểm dưới đây. Thứ nhất là phải tổ chức được vùng cung cấp hàng hóa, nhất là hàng nông sản thực phẩm để cung ứng cho siêu thị một cách ổn định về chất lượng và giá cả, nếu có khả năng dư lượng về vốn có thể đầu tư ban đầu một phần vốn để thu mua lại hàng hóa, phục vụ khách hàng.

Về chiết khấu và hoa hồng bán ra, các siêu thị cần đàm phán với các nhà cung cấp một mức giá hợp lý, mức hoa hồng hợp lý để đảm bảo giá cả phù hợp, phục vụ khách hàng, tránh tình trạng đẩy giá lên cao, làm thiệt hại cho người tiêu dùng.

“Cần có sự liên kết với các tỉnh, thành phố có thế mạnh về từng loại hàng hóa để đưa hàng về cung cấp cho siêu thị, đây là con đường khôn ngoan nhất của các đơn vị bán lẻ hiện đại”, ông Phú nhấn mạnh.

Tinh thần thái độ phục vụ, văn hóa kinh doanh là một yếu tố khá quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Về chất lượng sản phẩm bán ra tại siêu thị, cần tổ chức tốt công tác thu mua, dự trữ và bán ra tại các siêu thị chú trọng khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm, kiểm tra đầu vào hàng hóa. Đồng thời, các siêu thị phối hợp thường xuyên với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương về thương mại như công an, quản lý thị trường, y tế, hải quan, về tình trạng hàng trôi nổi trên thị trường, hàng giả, không có nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở thị trường ngoài siêu thị.

Tinh thần thái độ phục vụ, văn hóa kinh doanh là một yếu tố khá quan trọng. Theo quan điểm của Hội siêu thị Hà Nội, đây là một yếu tố quyết định trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xuất phát từ thái độ phục vụ tốt, có tinh thần cầu thị vì khách hàng mà sẽ phục vụ, đem lại thương hiệu cho siêu thị, đồng thời đem lại quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

“Hiệp hội siêu thị Hà Nội đề nghị các siêu thị thành viên phát huy những ưu điểm sẵn có, khắc phục những tồn tại, thiếu sót để ngày càng hoàn thiện công tác phục vụ người tiêu dùng. Hiệp hội tin tưởng rằng siêu thị mãi là một kênh thương mại, văn minh, được người tiêu dùng yêu mến”, ông Phú nhấn mạnh.

Thu Huyền

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang